Luật Điện lực (sửa đổi): Làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan

Luật Điện lực (sửa đổi): Làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan
2 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH Điện Biên phát biểu. Ảnh: LV
Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH Điện Biên: Triển khai điện gió ngoài khơi cần thận trọng
Tại Khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật hiện quy định về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Tuy nhiên, để tăng cường tính khả thi của chính sách Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Về việc cho phép doanh nghiệp Nhà nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (điểm c khoản 1 Điều 42), hiện tại, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ được thực hiện khảo sát, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (điểm c Khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật). Do điện gió ngoài khơi là ngành mới, việc giao cho các doanh nghiệp Nhà nước triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cần thận trọng. Tuy nhiên, cũng cần tính đến thực tế là các doanh nghiệp Nhà nước lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam như PVN, EVN đều chưa có kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (đặc biệt, EVN đang trong tình trạng thua lỗ).
Để đảm bảo thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cả về mặt công nghệ, hiệu quả kinh tế, dự thảo Luật nên bổ sung quy định về việc cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên. Việc lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp doanh nghiệp Nhà nước tận dụng được nguồn lực, giảm bớt gánh nặng tài chính, chia sẻ rủi ro nếu có.
Về khảo sát dự án điện gió ngoài khơi, Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp Nhà nước thực hiện khảo sát; việc lựa chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia khảo sát sẽ do Chính phủ quy định chi tiết ở văn bản dưới luật; mọi dữ liệu khảo sát thuộc sở hữu của Nhà nước; bên thực hiện khảo sát được quyền đề xuất dự án, nhưng vẫn phải tham gia đấu thầu cạnh tranh để được lựa chọn là nhà đầu tư dự án.
Khác với các loại hình năng lượng khác, hoạt động khảo sát phục vụ cho việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, với thời gian có thể lên tới 2 năm và tổng chi phí hàng chục triệu USD. Vì vậy sẽ khó thu hút nhà đầu tư tư nhân khảo sát nếu như không có quyền sở hữu dữ liệu khảo sát và cũng không được đảm bảo quyền phát triển dự án.
Đại biểu Trần Văn Tiến phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: HT
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Tránh chồng chéo giữa các luật
Việc sửa đổi Luật Điện lực là cần thiết. Bởi sau 20 năm triển khai thi hành, Luật Điện lực đã bộc lộ một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung,¹ nhằm phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các mục tiêu phát triển của đất nước. Đây là luật liên quan đến nhiều luật như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai… nên cần rà soát để tránh chồng chéo.
Về phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu dùng từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, dự thảo quy định giao UBND cấp tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ là trái thẩm quyền. Theo Điều 30, 31 luật ngân sách Nhà nước, thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ thuộc HĐND cấp tỉnh.
Về điều kiện cấp giấy phép, Điều 48 tại khoản 6 quy định: Có báo cáo đánh giá phát điện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận theo quy định. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, có dự án vừa phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường; có trường hợp chỉ phải lập giấy phép môi trường; có trường hợp chỉ cần đăng ký môi trường; có trường hợp được miễn đăng ký môi trường. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định cụ thể cho phù hợp với quy mô dự án.
Lê Vân/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/luat-dien-luc-sua-doi-lam-ro-trach-nhiem-cua-cac-ben-lien-quan-20241026185200012.htm