Cần thiết phải luật hóa
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi gồm 8 chương, 47 điều do Bộ Nội vụ công bố để lấy ý kiến. Trong đó, đề xuất luật hóa quy định miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ, công chức "dám nghĩ, dám làm" vì lợi ích chung thu hút sự chú ý lớn nhất.
Luật hóa thì cán bộ sẽ mạnh dạn hơn trong việc dám nghĩ, dám làm
Điều 35 của dự thảo luật nêu rõ 3 trường hợp cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm là: chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên sau khi đã báo cáo; thực hiện hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là "dám nghĩ, dám làm" vì lợi ích chung; và trường hợp bất khả kháng.
Tuy nhiên, khoản g, điều 9 về "Chấp hành quyết định của cấp trên" lại gây nhiều lo ngại. Theo đó, khi cán bộ, công chức nhận thấy quyết định của cấp trên trái pháp luật, họ phải báo cáo bằng văn bản. Nếu cấp trên vẫn yêu cầu thi hành, họ phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhiều cán bộ lo ngại rằng, trong thực tế, cấp dưới khó có thể phản biện cấp trên, ngay cả khi biết quyết định đó sai trái.
Ông Trịnh Trọng Dương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phú Cường đồng tình, ủng hộ việc luật hóa
Ông Trịnh Trọng Dương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương dẫn chứng, ví dụ trong tổ chức Hội Cựu chiến binh, cấp phường thấy cấp tỉnh chỉ đạo chưa đúng nhưng không thể phản ánh trực tiếp mà phải qua Thành hội, rồi mới đến Tỉnh hội. Liệu ý kiến của mình có được gửi đi đầy đủ?
"Mình muốn trực tiếp nói với người có trách nhiệm trả lời nhưng không được nên đây cũng là rào cản. Hay việc mình làm sẽ bị soi nên người ta ngại đấu tranh. Bộ máy cán bộ của mình hầu hết sợ cấp trên, mặc dù làm thì cũng có nguyên tắc, có nghị quyết, quy định, nhưng ý chí người đứng đầu nói ra thì dưới phải tuân theo”.
Còn ông Trần Đức Hoang, cán bộ hưu trí ở TP. Thủ Dầu Một chia sẻ, khi biết cấp trên làm sai, rất ít người dám đứng ra đấu tranh. Vì thế việc luật hóa quy định miễn trừ trách nhiệm cho những cán bộ, công chức "dám nghĩ, dám làm" là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, để có thêm nhiều người dám nói thẳng nói thật, tất cả vì lợi ích chung của tập thể.
Khuyến khích và tạo chỗ dựa cho cán bộ
Nhiều cán bộ và nguyên cán bộ tại Bình Dương và TP.HCM cũng nhận định rằng, đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.
Ứng dụng công nghệ thông tin để mọi hoạt động rõ ràng, minh bạch tránh cán bộ trục lợi
Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng, luật hóa không phải là "cây đũa thần" có thể giải quyết mọi vấn đề. Để quy định này đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, cần có sự đồng bộ giữa luật pháp và các yếu tố khác.
Cụ thể, cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, và ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa, công khai hóa các vấn đề, tránh tình trạng trục lợi.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP.HCM, cho rằng, mặc dù có nhiều luật được ban hành, hiệu quả thực thi vẫn còn hạn chế, như trong công tác phòng chống tham nhũng và ma túy.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên
Ông Nguyên nhấn mạnh rằng, luật pháp dù chặt chẽ đến đâu cũng không thể hiệu quả nếu thiếu sự tuân thủ nghiêm ngặt từ người thực thi. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy điều này. Theo ông, "luật hóa" là cần thiết để tạo sự tự tin cho cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nhưng không phải là "cây đũa thần" có thể giải quyết mọi vấn đề.
"Luật pháp ra là cần thiết, có thể tăng cường, có thể giúp cho cán bộ có động lực tốt hơn nhưng nó không phải là cây đũa thần, có thể giải quyết tận gốc được vấn đề này. Đừng nghĩ rằng khi ra được luật đó là mọi sự xong xuôi, là cán bộ tự nhiên dám nghĩ, dám làm. Mà dám nghĩ, dám làm đã quan trọng rồi nhưng mà nghĩ đúng, làm đúng đấy mới là quan trọng", ông Nguyên nói.
Điều 10 của dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng đề cập đến việc khuyến khích, khen thưởng và bổ nhiệm vượt cấp đối với cán bộ có thành tích trong đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đây được xem là điểm mới, nhằm xóa bỏ tâm lý e dè, né tránh của một bộ phận cán bộ, đồng thời tạo động lực để họ mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực và cống hiến vì lợi ích chung.
Ông Trần Đức Hoang, cán bộ hưu trí ở TP. Thủ Dầu Một
Ông Trần Đức Hoang nhấn mạnh: "Người cán bộ có đường lối, chủ trương của Đảng bảo vệ, có luật pháp bảo vệ, do đó, người cán bộ khi làm việc có hai điểm tựa vững chắc, dù có vấp ngã vẫn có cơ sở để đứng lên. Bên cạnh đó, gia đình, vợ con, dòng họ động viên sự dũng cảm dám đấu tranh, họ không bị xung quanh xa lánh. Một bên là Đảng bảo vệ, bên kia là pháp luật, Nhà nước bảo vệ. Khi có đủ ba yếu tố này, họ sẽ sẵn sàng đấu tranh. Tuy nhiên, cần phải luật hóa, bởi bảo vệ cán bộ là để đất nước phát triển, dân giàu, nước mạnh")
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định về sát hạch để sàng lọc đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc cạnh tranh, tạo điều kiện cho sự "có vào, có ra, có lên, có xuống", nhằm giải quyết tình trạng "công chức suốt đời". Đây cũng là một điểm đáng chú ý trong dự thảo luật, khuyến khích cán bộ cống hiến, sáng tạo và nỗ lực xây dựng đất nước.
Sau khi lấy ý kiến, Bộ Nội vụ sẽ hoàn chỉnh dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 tới đây.
Khánh Hiệp-Thiên Lý/VOV-TP.HCM