Luật hóa Nghị quyết 42: 'Lá chắn' cho ngân hàng, người vay trong xử lý nợ xấu

Luật hóa Nghị quyết 42: 'Lá chắn' cho ngân hàng, người vay trong xử lý nợ xấu
3 giờ trướcBài gốc
Lấp khoảng trống pháp lý
Tại tọa đàm “Cần tiếp tục Luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 22/5, các chuyên gia, nhà quản lý cùng đại diện ngân hàng và doanh nghiệp đều khẳng định: Nghị quyết 42 (NQ42) đã chứng tỏ hiệu quả tích cực trong giai đoạn thí điểm 2017 – 2023.
Tuy nhiên, việc NQ42 hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024 mà chưa được gia hạn hay luật hóa đã tạo một khoảng trống pháp lý nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản đảm bảo của các TCTD nhằm thu hồi vốn. Do đó, luật hóa các quy định cốt lõi của NQ42 là yêu cầu cấp thiết cần sớm triển khai.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 2 – nhận định, luật hóa NQ42 sẽ trực tiếp điều chỉnh công tác xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo.
Điều này không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn tạo cơ sở để các cơ quan chức năng thống nhất phương án xử lý.
Quan trọng hơn, nó còn góp phần nâng cao ý thức trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn của khách hàng.
"Nếu đăng ký vay vốn sản xuất kinh doanh nhưng lại dùng mua bất động sản hoặc sử dụng sai mục đích, dòng vốn tín dụng sẽ khó phát huy hiệu quả và tạo dòng tiền trả nợ. Do đó, khi người vay ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng vốn đúng mục đích, chúng ta có thể tin tưởng vốn vay sẽ được sử dụng hiệu quả. Chính việc sử dụng hiệu quả dòng vốn tín dụng sẽ tác động tích cực trở lại, giúp kiểm soát tốt nợ xấu. Khi vốn được sử dụng tốt, tạo ra dòng tiền và thu nhập để trả nợ ngân hàng, nợ xấu và nợ quá hạn sẽ không còn phát sinh" - Ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh rằng khi vốn vay được sử dụng đúng mục đích và kế hoạch kinh doanh hiệu quả, khả năng trả nợ của khách hàng sẽ được đảm bảo.
Lợi ích đa chiều
GS.TS. Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.HCM), cho rằng song song với việc tăng cường quyền lợi cho TCTD, cần thiết phải bổ sung và hoàn thiện các quy định nhằm bảo vệ người đi vay.
GS.TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM.
Các quy định này cần bao gồm quyền được thông báo đầy đủ, quyền đàm phán tái cơ cấu nợ, các biện pháp hỗ trợ người vay gặp khó khăn thực sự do nguyên nhân khách quan. Đồng thời, cần phân định rõ nợ xấu do yếu tố khách quan hay chủ quan để có cơ chế xử lý phù hợp.
Ông Võ Xuân Vinh cho rằng: "Quá trình xử lý nợ cần có hướng dẫn chi tiết về việc thu giữ tài sản đảm bảo. Việc luật hóa cũng phải chú trọng bảo vệ quyền lợi người vay, bổ sung các quy định về quyền được thông báo, quyền đàm phán và tái cơ cấu nợ. Cần có chính sách hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn, đặc biệt là nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan, đồng thời đẩy nhanh thủ tục tố tụng và thi hành án".
GS.TS. Võ Xuân Vinh kiến nghị, cần xây dựng những quy định chi tiết, minh bạch về điều kiện, trình tự, thủ tục nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên, đảm bảo tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực đạo đức.
Những quy định này phải cân bằng lợi ích giữa TCTD và người vay, đồng thời tăng cường sự phối hợp và thống nhất trong quan điểm xử lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông cũng nhấn mạnh, việc tạo dựng một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định và hiệu quả cho công tác xử lý nợ xấu và thi hành án liên quan đến tài sản đảm bảo là vô cùng cấp thiết. Điều này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý lượng nợ xấu còn tồn đọng.
Hoàng Minh/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/luat-hoa-nghi-quyet-42-la-chan-cho-ngan-hang-nguoi-vay-trong-xu-ly-no-xau-post1201448.vov