Chiều 7/7, tại buổi họp báo giới thiệu các nội dung cơ bản của 5 Luật do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, ông Nguyễn Khắc Lịch- Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thông tin một số nội dung nổi bật của Luật Công nghiệp công nghệ số.
6 điểm nổi bật của Luật Công nghiệp Công nghệ số
Theo ông Lịch, Luật Công nghiệp Công nghệ số được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 (trừ một số điều có hiệu lực sớm hơn từ 1/7/2025). Luật thể chế 4 trụ cột chiến lược quan trọng của bao gồm các Nghị quyết 57, 59, 66 và 68.
Luật Công nghiệp công nghệ số có 6 điểm nổi bật, đó là hành lang pháp lý tiên phong cho công nghiệp công nghệ số; hai là ưu đãi vượt trội để phát triển ngành; ba là "Make in Việt Nam", thúc đẩy các sản phẩm phát triển sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; bốn là nhân lực công nghiệp công nghệ số, phát triển nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao cho đến nhân tài công nghiệp số; năm là doanh nghiệp công nghệ số và cuối cùng là phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Khắc Lịch- Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin.
Thông tin về một trong những quy định nổi bật của Luật Công nghiệp Công nghệ số đó là phát triển nhân lực công nghệ số. Có 3 trụ cột là phát triển nhân lực công nghiệp công nghệ số; thu hút nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao và thu hút, trọng dụng nhân tài công nghiệp số.
Liên quan đến phát triển nhân lực công nghiệp công nghệ số, ông Lịch cho biết trong quan điểm của luật đó là chăm lo từ đầu vào, nguồn từ sinh viên đại học.
"Sinh viên đại học nếu học ngành công nghiệp công nghệ số thì sẽ được ưu đãi về tín dụng như lãi suất điều kiện vay, vay tiền để đi học. Cùng với đó, có chính sách về cấp học bổng, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt cho những người học ngành đào tạo công nghiệp công nghệ số", ông Lịch cho hay.
Đồng thời, cũng theo ông Lịch, Nhà nước ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất bao gồm thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm hay bản quyền phần mềm, các nền tảng số dùng chung và các dịch vụ kỹ thuật khác...
Thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao
Về thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, Luật quy định, nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ.
Trong đó, nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người nước ngoài sẽ được cấp thẻ tạm trú có thời hạn 5 năm và được gia hạn theo quy định pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi của nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú với thời hạn tương ứng với thời hạn cấp cho nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao.
Đồng thời, được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
Nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao cũng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Chính sách đột phá trong việc thu hút nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao.
Theo đó, Luật có những chính sách đột phá trong việc thu hút nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao vào các cơ quan Nhà nước.
Ông Lịch cho biết, nhân lực trong tổ chức, doanh nghiệp là công dân Việt Nam có nguyện vọng và đáp ứng được tiêu chí về chất lượng cao thì được tiếp nhận vào làm công chức, viên chức không cần qua thi tuyển, xét tuyển.
"Nguồn nhân lực này cũng được xem xét bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý, không cần đáp ứng điều kiện về thời gian công tác cũng như quy hoạch. Đây là những điều kiện rất đột phá", ông Lịch nói.
Trường hợp công chức, viên chức đã chuyển sang làm việc tại tổ chức, doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chí nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao, có nguyện vọng quay lại làm công chức, viên chức thì được ưu tiên tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.
Ngoài ra, được bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng chế độ, chính sách về lương, phụ cấp, ngạch công chức/hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và các chế độ, chính sách khác tương đương hoặc cao hơn chế độ, chính sách đã được hưởng trước đây.
Các trường hợp này sẽ được xem xét là trường hợp đặc biệt khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu cơ quan, đơn vị có nhu cầu.
Ngoài ra, nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao trong tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số được tiếp nhận có thời hạn làm việc tại cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở thống nhất của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tổ chức, doanh nghiệp về hình thức tiếp nhận, thời gian làm việc, vị trí việc làm và quyền lợi của người được tiếp nhận, đồng thời bảo đảm sự đồng thuận của người được tiếp nhận.
Công chức, viên chức có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công nghệ số được điều động, luân chuyển, biệt phái sang cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Với trường hợp nhân lực là nhân tài công nghệ số, ngoài các ưu đãi về thuế, về điều kiện cư trú, còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như được hưởng cơ chế đặc biệt về lương, thưởng cạnh tranh với mức lương, thưởng trên thế giới, được ưu tiên tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm theo quy định pháp luật cán bộ, công chức, viên chức.
Được hỗ trợ về môi trường làm việc, không gian sống, nhà ở, phương tiện đi lại, được hỗ trợ tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về công nghiệp công nghệ số, được hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ số và được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Trả lời thêm câu hỏi của báo chí tại họp báo, các khái niệm "nhân tài công nghệ" và "nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao" sẽ được quy định như thế nào để đảm bảo tính linh hoạt và thực sự thu hút được nhân lực có trình độ, đặc biệt là các nhà khoa học Việt kiều từ nước ngoài?
Ông Lịch cho biết, trong luật chúng ta đã đưa ra khái niệm "nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao" và "nhân tài công nghệ số". Đây là hai khái niệm khác nhau.
Về nhân tài công nghệ số, khái niệm này sẽ tuân theo pháp luật về Khoa học và Công nghệ. Toàn bộ tiêu chí để định nghĩa "nhân tài công nghệ số" sẽ được thực hiện theo tinh thần của luật đó.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công nghiệp Công nghệ số để các quy định trên được triển khai ngay khi Luật có hiệu lực từ 1/1/2026.
Hoàng Thị Bích