Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Luật Nhà giáo được thông qua là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với ngành Giáo dục nói riêng, với đất nước nói chung. (Ảnh: Xuân Phú)
Chiều 17/7, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết quá trình xây dựng, công bố và triển khai thi hành Luật Nhà giáo.
Những dấu ấn của Luật Nhà giáo
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Luật Nhà giáo được thông qua là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với ngành Giáo dục nói riêng, với đất nước nói chung.
Theo Bộ trưởng, với chủ trương sớm, việc biên soạn và trình Luật Nhà giáo đã được ghi rõ trong nhiều văn kiện của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 91-KL/TW, tạo căn cứ chính trị vô cùng quan trọng để ngành Giáo dục chuẩn bị và trình Luật này.
Trong các buổi thảo luận ở Tổ của đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những ý kiến quan trọng liên quan Luật Nhà giáo; trong đó khẳng định, Luật Nhà giáo ban hành phải đem lại niềm vui, sự động viên, hứng khởi đối với đội ngũ nhà giáo. Đây là sự động viên, khích lệ to lớn đối với những người có trách nhiệm xây dựng Luật Nhà giáo.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ về các dấu ấn và những bài học trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo. Thứ nhất, lần đầu tiên có một luật riêng dành cho đội ngũ nhà giáo, đây là đỉnh cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ nhà giáo.
Thứ hai, Luật đáp ứng được mục tiêu của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm: Khi Luật Nhà giáo được ban hành, đội ngũ nhà giáo sẽ vui mừng đón nhận.
Thứ ba, đây là một luật mẫu về đổi mới tư duy xây dựng luật.
Cuối cùng, Luật Nhà giáo là căn cứ pháp lý cao nhất, đủ mạnh, tổng thể để xây dựng các văn bản dưới luật về nhà giáo.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng chia sẻ 6 bài học. Cụ thể: Xác định rõ quan điểm, mục tiêu, phạm vi đối tượng áp dụng của Luật; công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán và thông suốt; công tác phối hợp phải chủ động, chia sẻ và hết sức thấu hiểu; phát huy trí tuệ tập thể, tham khảo đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng; cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, giải trình một cách thuyết phục, có thực tiễn, có lý luận; thực hiện hiệu quả công tác truyền thông.
Tại hội nghị, ông Carlos Vargas, Trưởng Bộ phận Phát triển nhà giáo của UNESCO, Chủ tịch Tổ thư ký Nhóm Công tác quốc tế về nhà giáo vì mục tiêu giáo dục 2030 thay mặt UNESCO chúc mừng Việt Nam đã đạt được một thành tựu ấn tượng, mang tính bước ngoặt, đột phá, đó là ban hành Luật Nhà giáo - khung pháp lý toàn diện, ghi nhận vai trò thiết yếu của đội ngũ nhà giáo trong giáo dục.
Ông Carlos Varga cho rằng, Luật Nhà giáo có ý nghĩa vô cùng to lớn, cụ thể: Tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ nhà giáo phát triển; giáo viên có được sự hỗ trợ cần thiết để liên tục phát triển chuyên môn, sự nghiệp; khẳng định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm thời gian, nguồn lực tài chính, để các chính sách có thể được triển khai hiệu quả.
“Chúng tôi rất vui khi Luật đã đưa ra một khuôn khổ phản ánh tầm nhìn toàn cầu về nghề giáo trong tương lai”, ông Carlos Vargas bày tỏ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. (Ảnh: Phi Khanh)
Luật Nhà giáo là sản phẩm kết tinh của trí tuệ tập thể
Báo cáo tổng kết quá trình xây dựng Luật Nhà giáo và triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Quá trình chuẩn bị để xây dựng dự án Luật Nhà giáo đã được Bộ GD&ĐT tiến hành từ lâu và đạt được những bước tiến quan trọng chủ yếu từ năm 2018 và có thể chia thành 4 giai đoạn chính.
Giai đoạn 1: Nghiên cứu phục vụ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, từ năm 2018 đến 2021.
Giai đoạn 2: Lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo từ 2021 đến tháng 6/2024. Theo đó, tháng 6/2024, Quốc hội chính thức có Nghị quyết số 129/2024/QH15 về việc bổ sung Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 586/QĐ-TTg giao Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo Luật Nhà giáo.
Giai đoạn 3: Soạn thảo Luật Nhà giáo và trình Quốc hội. Trong thời gian từ tháng 5/2024 đến tháng 10/2024, Bộ GD&ĐT đã tập trung tối đa lực lượng, khẩn trương, nghiêm túc triển khai các bước trong quy trình soạn thảo Luật Nhà giáo.
Giai đoạn 4: Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo (từ tháng 11/2024 đến tháng 6/2025). Theo đó, ngày 16/6/2025, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV chính thức thông qua Luật Nhà giáo với tỷ lệ ấn tượng 94,35% đại biểu có mặt tán thành.
Trong báo cáo, ông Vũ Minh Đức cũng chia sẻ 5 điểm nổi bật đáng chú ý trong quy định tại Luật Nhà giáo, cụ thể: Khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo; lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ - nâng cao chất lượng giáo dục; tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục.
“Luật Nhà giáo là sản phẩm kết tinh của trí tuệ tập thể, được vun đắp từ công sức, tâm huyết và trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia. Luật thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc hiện thực hóa các chủ trương lớn về phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ nét cho sự thống nhất, đồng thuận cao từ Trung ương đến địa phương; từ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, các chuyên gia, nhà giáo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo; sự đồng tình, ủng hộ của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đối với vai trò, vị trí của nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục”, ông Vũ Minh Đức nói.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội gửi lời chúc mừng đến Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục và 1,6 triệu nhà giáo vì đã có một dự án Luật đúng như mong đợi, từ đó triển khai được những điều tốt đẹp cho nhà giáo, phát huy đóng góp của nhà giáo cho sự nghiệp giáo dục.
Theo bà Hoa, quá trình xây dựng thành công Luật Nhà giáo là quãng thời gian rất dài, với nhiều thách thức. "Đây là dự án Luật khó, tác động tới gần 1,6 triệu nhà giáo và trên 20 triệu người học, học sinh, sinh viên cả nước; nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội và cử tri. Do đó, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã xác định tinh thần xây dựng luật là quyết tâm cao nhưng thận trọng, lắng nghe nhiều bên", bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đã được thực tiễn chứng minh tính ổn định. Nội dung hướng dẫn chi tiết được cụ thể hóa trong các dự thảo nghị định, thông tư gửi kèm trong hồ sơ dự án Luật Nhà giáo.
“Trong quá trình thẩm tra, chúng tôi rút ra cho mình rất nhiều bài học, trong đó quá trình phối hợp xây dựng Luật. Hai bên đã tham dự các cuộc làm việc, hội nghị, hội thảo, trao đổi, góp ý các nội dung liên quan; trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời, đồng thuận cao các vấn đề cần thống nhất giữa hai cơ quan”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ.
Bày tỏ vinh dự khi đồng hành cùng Bộ GD&ĐT hoàn thành Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cũng đồng quan điểm khi nói về tổ chức thực hiện Luật.
"Điều quan trọng là sau khi ban hành Luật thì sẽ kiến tạo được những gì mới hơn, tốt hơn cho sự phát triển của nhà giáo, tạo thêm bước tiến gì cho nền giáo dục, cho sự nghiệp phát triển con người của đất nước. Đó mới là đích cuối cùng", ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Phi Yến