Nhiều điểm mới, tháo gỡ những 'điểm nghẽn' về chính sách đối với nhà giáo

Nhiều điểm mới, tháo gỡ những 'điểm nghẽn' về chính sách đối với nhà giáo
2 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng trao đổi tại Họp báo. (Ảnh: BGD-ĐT)
Những điểm mới trong Luật Nhà giáo
Tại buổi họp báo, giới thiệu về Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026. Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 5 chính sách lớn về nhà giáo đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo. Đây là đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ và chính sách dành cho đội ngũ hơn một triệu nhà giáo trên cả nước.
Trong đó, Luật thống nhất giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng nhà giáo, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tự chủ tuyển dụng nhà giáo. Luật giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là bước điều chỉnh quan trọng nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu đội ngũ; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai.
Luật cũng quy định Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt số lượng biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Đặc biệt, lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng, không chỉ là người lao động theo hợp đồng như trước. Luật khẳng định vai trò then chốt của nhà giáo, đồng thời mở rộng quyền tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp.
Luật quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Bổ sung các khoản hỗ trợ vùng khó khăn, thuê nhà, đào tạo, sức khỏe định kỳ, thu hút nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Luật hợp nhất hai hệ thống tiêu chuẩn (chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp) thành một hệ thống chức danh gắn với chuẩn năng lực nghề nghiệp, áp dụng thống nhất cho cả công lập và ngoài công lập.
Với những điểm mới, nổi bật đó, đối với đội ngũ nhà giáo trên toàn quốc, Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý quan trọng, kiến tạo các chính sách đầy đủ và tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề. Đối với ngành Giáo dục, Luật Nhà giáo khẳng định vị thế, vai trò chủ động của ngành trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo; tạo cơ hội thuận lợi hơn cho ngành Giáo dục trong quản lý ngành và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Không cấm dạy thêm, nhưng phải minh bạch, đúng quy định
Tại buổi họp báo, trả lời các câu hỏi có liên quan đến vấn đề lương nhà giáo được xếp mức cao nhất liệu có giúp giảm tình trạng dạy thêm không, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng một lần nữa nhấn mạnh, Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm, học thêm, mà chỉ cấm việc dạy thêm, học thêm tràn lan, sai quy định. Thông tư quy định rõ để bảo vệ quyền lợi học sinh, giữ gìn phẩm chất nhà giáo, đồng thời nghiêm cấm việc giáo viên dạy thêm chính học sinh mình đã dạy trên lớp, nhằm tránh xung đột lợi ích và đảm bảo chất lượng giáo dục trong giờ chính khóa. Cũng theo Thứ trưởng, việc giáo viên có dạy thêm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ là mức lương. Quan trọng là hoạt động dạy thêm phải được quản lý chặt chẽ, đúng quy định, minh bạch và phải vì lợi ích học sinh.
Liên quan đến việc giáo viên hợp đồng không được hưởng chế độ xếp lương như biên chế (cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp – P.V), Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ sâu sắc trước thiệt thòi của đội ngũ giáo viên hợp đồng – những người vẫn đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, ông cho biết, theo quy định hiện hành, giáo viên hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Luật lao động, nên việc xếp lương phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động…
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm, hiện Bộ GD-ĐT đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo để kịp ban hành và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Luật Nhà giáo vào ngày 1-1-2026.
B.T (tổng hợp)
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/nhieu-diem-moi-thao-go-nhung-diem-nghen-ve-chinh-sach-doi-voi-nha-giao-post315985.html