Luật – Những điểm mới:Các tỉnh, thành phố mới được chủ động, linh hoạt quyết định việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

Luật – Những điểm mới:Các tỉnh, thành phố mới được chủ động, linh hoạt quyết định việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
6 giờ trướcBài gốc
Chuyển đổi số trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Giới thiệu điểm mới của Luật tại Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan; đáp ứng yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bổ sung thẩm quyền và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch UBND cấp tỉnh; HĐND, UBND cấp xã, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, HĐND và UBND cấp xã.
Theo đó, HĐND cấp tỉnh được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân cấp; Chủ tịch UBND cấp tỉnh được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân cấp, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, quy định biện pháp chỉ đạo, điều hành hoạt động của UBND cấp tỉnh; phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn, cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; HĐND và UBND cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương giao.
Quốc hội giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, HĐND và UBND cấp xã. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 1/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 79/2025/NĐ-CP về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật để có hiệu lực cùng thời điểm với Luật.
Luật sửa đổi, bổ sung quy định về việc tham gia xây dựng pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội. Cụ thể, quy định các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục giữ nguyên các quy định của các tổ chức chính trị - xã hội và quy định cho phù hợp về phản biện xã hội; đề xuất nhiệm vụ lập pháp; đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; được lấy ý kiến đối với lập đề xuất chính sách và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết; đồng thời, chỉnh lý tên các tổ chức thành "tổ chức chính trị - xã hội".
Thể chế hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Luật bổ sung Bộ Khoa học và Công nghệ vào thành phần bắt buộc trong hội đồng thẩm định, đồng thời bổ sung nội dung thẩm định, thẩm tra về việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, “trong thời gian tới, việc xây dựng pháp luật cần xem xét, bổ sung và lồng ghép ứng dụng khoa học công nghệ, yếu tố đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, từng bước đưa khoa học công nghệ, chuyển đổi số trở thành tư liệu sản xuất như yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong các chỉ đạo về việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW”.
Người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và tham gia, góp ý kiến xây dựng chính sách
Luật cũng xử lý các văn bản quy phạm pháp luật do sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn địa phương sau khi đơn vị hành chính mới được sắp xếp chính thức hoạt động, Luật bổ sung các trường hợp áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đối với đơn vị hành chính bị chia tách, nhập, điều chỉnh địa giới.
Cụ thể, có 4 trường hợp quy định hiệu lực về không gian, trong đó 3 trường hợp áp dụng đối với văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị hành chính cùng cấp khi chia tách, nhập, điều chỉnh địa giới (trường hợp sáp nhập, chia tách và nhập một phần địa giới) và 1 trường hợp áp dụng đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên áp dụng đối với đơn vị hành chính cấp dưới mà đơn vị hành chính cấp dưới bị chia tách, nhập, điều chỉnh địa giới. Nguyên tắc chung là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực không gian với đơn vị hành chính nào thì tiếp tục có hiệu lực với đơn vị hành chính đó cho đến khi bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, trừ trường hợp đơn vị hành chính tiếp nhận một phần địa giới của đơn vị hành chính khác.
“Như vậy, đối với các tỉnh, thành phố mới được chủ động, linh hoạt quyết định việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành mới để phù hợp với tình hình, điều kiện đặc thù của mỗi tỉnh, thành phố”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các địa phương nơi thực hiện sắp xếp đã ban hành, trong việc xử lý đối với văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về hiệu lực không gian của văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung quy định chuyển tiếp để chính quyền địa phương cấp xã sau khi sắp xếp được xử lý văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện ban hành.
Luật sửa đổi, bổ sung quy định đăng tải dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng Pháp luật quốc gia trong quy trình xây dựng, ban hành một số loại văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Anh Thảo
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/luat-nhung-diem-moi-cac-tinh-thanh-pho-moi-duoc-chu-dong-linh-hoat-quyet-dinh-viec-ap-dung-van-ban-quy-pham-phap-luat-10378815.html