Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy, Luật Đường sắt năm 2025 đã có những quy định để huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đồng thời ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực đường sắt.
So với Luật Đường sắt năm 2017, Luật năm 2025 đã bổ sung các quy định ưu đãi, hỗ trợ để phát triển kinh doanh kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải và công nghiệp đường sắt; ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước để tạo thị trường đủ lớn cho phát triển công nghiệp đường sắt. Bổ sung quy định kết nối đường sắt với các phương thức vận tải khác để phát huy hiệu quả của từng phương thức vận tải và vận tải đa phương thức.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy. Ảnh H. Ngọc
Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại ga đường sắt cho phù hợp với thực tế; bổ sung quy định để khai thác hiệu quả các khu ga thông qua việc cho phép mở rộng tối đa các loại hình kinh doanh dịch vụ thương mại trong khu ga.
Đặc biệt, Luật đẩy mạnh phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng và từ Chính phủ, Bộ cho chính quyền địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Qua đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, đặc biệt là đường sắt địa phương. Bổ sung các quy định để rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư từ lập quy hoạch, thực hiện dự án đến đầu tư xây dựng và lựa chọn nhà thầu.
Một điểm mới quan trọng của Luật năm 2025 là đã bổ sung quy định về đầu tư dự án đường sắt bằng nguồn vốn ngoài nhà nước để thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo Thứ trưởng, “thời gian qua, các dự án đường sắt đều được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Do đó, quy định nêu trên đã mở ra cơ hội để huy động tối đa nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống đường sắt". Bên cạnh đó, Luật vẫn có các quy định "ràng buộc, kiểm soát bảo đảm vừa huy động được nguồn lực tư nhân, vừa giữ được vai trò quản lý của nhà nước đối với hệ thống đường sắt”.
Đường sắt tốc độ cao thuộc đối tượng được bảo vệ
Nhằm giải quyết vướng mắc trong quá trình xác định chi phí đối với những công trình, hạng mục, thiết bị mà Việt Nam chưa có, Luật Đường sắt lần này đã bổ sung các quy định về quản lý chi phí đầu tư.
Pháp luật hiện hành có thể chưa có hoặc có nhưng chưa phù hợp hệ thống đơn giá, định mức đối với các dự án đường sắt mới, đường sắt điện khí hóa, nên việc bổ sung quy định này nhằm giải quyết vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế; từ đó xác định được đơn giá, định mức cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án đường sắt mới, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nêu rõ.
Luật cũng bổ sung quy định để giải quyết vướng mắc về hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng dự án xây dựng đường sắt áp dụng theo mẫu hợp đồng FIDIC trong thời gian qua.
Chỉ rõ, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong những khâu quan trọng, cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, hoàn thành dự án, thậm chí có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của các dự án đường sắt trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng cũng cho biết, Luật đã có các quy định đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, góp phần giảm thời gian chuẩn bị, sớm triển khai và đưa dự án vào khai thác hiệu quả.
Bên cạnh các cơ chế thông thoáng nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án đường sắt, Luật cũng bổ sung nội dung về bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để vừa khơi thông, tháo gỡ nhưng cũng có cơ chế kiểm soát của Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lãng phí, tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước.
Đáng chú ý, Luật lần này đã bãi bỏ thủ tục hành chính về thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống, Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị; việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống sẽ được tổ chức chứng nhận an toàn độc lập (do chủ đầu tư dự án lựa chọn) thực hiện.
Đồng thời, bổ sung quy định đường sắt tốc độ cao thuộc đối tượng được bảo vệ như công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và phải có quy trình vận hành, bảo trì hệ thống quản lý an toàn nghiêm ngặt do cơ quan quản lý, vận hành xây dựng, trình Bộ Xây dựng quyết định.
Để bảo đảm thuận lợi và rõ ràng trong quá trình áp dụng, Luật đã có quy định đối với các dự án đường sắt đã được quyết định chủ trương đầu tư (dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) vẫn được áp dụng các quy định theo quyết định chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Cùng với đó, đã bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Luật Đường sắt với luật, nghị quyết khác của Quốc hội, thì được lựa chọn áp dụng quy định thuận lợi hơn.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy phép xây dựng, Luật sửa đổi ngay quy định của Luật Xây dựng.
Theo đó, từ ngày 1/7/2025, các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được miễn giấy phép xây dựng. Đây cũng là điểm mới mang tính “đột phá” của Luật vừa được Quốc hội thông qua nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Tại Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 18 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, hiện Bộ đã nhận được một số đề xuất từ các nhà đầu tư quan tâm đến việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo quy định pháp luật hiện hành, bước đầu tiên là hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án. Việc hoàn thiện này phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của Luật Đầu tư, trong đó nêu rõ các yêu cầu chi tiết mà nhà đầu tư cần đáp ứng. Đồng thời, Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đánh giá một cách toàn diện lợi ích khi chuyển đổi hình thức đầu tư từ đầu tư công sang đầu tư tư nhân.
"Việc đánh giá tập trung vào lợi ích mang lại cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, trên nguyên tắc cẩn trọng và kỹ lưỡng", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính cũng đang phối hợp xây dựng các tiêu chí đánh giá. Trên cơ sở đó, Bộ đã có văn bản gửi tới tất cả các nhà đầu tư quan tâm, trong đó nêu rõ thời hạn nộp hồ sơ. Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, hai Bộ sẽ đánh giá và tổng hợp báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét. "Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thành lập Hội đồng tư vấn và Hội đồng thẩm định Nhà nước, để đánh giá đề xuất của nhà đầu tư", Thứ trưởng nêu rõ.
Tất cả doanh nghiệp, người dân đều phải tuân thủ quy định pháp luật. Khẳng định nguyên tắc này, Thứ trưởng cho biết, quy định pháp luật ưu đãi đến mức nào, thì chúng ta tối đa ưu đãi đến mức đó. Qua quá trình làm việc, đến thời điểm này, chưa có nhà đầu tư nào đưa ra đề xuất vượt quá khuôn khổ pháp luật; trong trường hợp có đề xuất vượt khung, theo quy định, Bộ sẽ báo cáo cấp thẩm quyền.
Về tiến độ thực hiện, Quốc hội đã thông qua việc cho phép nghiên cứu thêm hình thức đầu tư tư nhân đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Việc nghiên cứu vẫn đang được triển khai, và đến nay chưa có vướng mắc nào phát sinh.
H. Ngọc ghi
Anh Thảo