Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, chiều nay 30/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Luật này quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách,quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với phòng không nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị giải thích khái niệm “Tàu bay không người lái” cho đầy đủ hơn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện khái niệm, có tính bao quát đối với cả taxi bay, motor bay để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu, qua nghiên cứu các khái niệm của một số nước và quy định tại Công ước về Hàng không dân dụng năm 1944 (sử dụng thống nhất cụm từ “Tàu bay không người lái” – Điều 8 Công ước), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khái niệm này đảm bảo phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với cả những thiết bị bay khác không người lái có thể có trong tương lai như taxi bay, motor bay.
Theo dự thảo, “tàu bay không người lái” là phương tiện bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự điều khiển trực tiếp của người lái trên phương tiện bay đó.
"Phương tiện bay khác” bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian) và thiết bị bay khác có người điều khiển hoặc không có người điều khiển mà không phải là tàu bay, tàu bay không người lái.
Dự thảo cũng quy định tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác thì được nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Luật cũng quy định cụ thể các điều kiện đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.
"Tàu bay không người lái, phương tiện bay khác phải được đăng ký theo quy định của Chính phủ trước khi đưa vào khai thác, sử dụng”, theo dự thảo luật.
Luật cũng cấm chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, sở hữu, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác trái pháp luật.
Ngoài ra còn cấm sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác để mang thiết bị, vũ khí, vật liệu nổ, chất cấm trái pháp luật hoặc tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước.
Về tổ chức lực lượng phòng không nhân dân có tổ chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, cũng như thẩm quyền và trường hợp bị chế áp (tức việc sử dụng hỏa lực, xung lực hoặc biện pháp khác để làm cho quá trình hoạt động của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác bị gián đoạn, vô hiệu hóa từng chức năng hoặc mất hoàn toàn khả năng hoạt động).
Sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình về các ý kiến đại biểu nêu ra, kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.
Ngọc Thành/VOV.VN