Luật sư của 1 bị cáo người nước ngoài đề nghị cho thân chủ hưởng tình tiết 'phạm tội do lạc hậu'

Luật sư của 1 bị cáo người nước ngoài đề nghị cho thân chủ hưởng tình tiết 'phạm tội do lạc hậu'
6 ngày trướcBài gốc
Ngày 4-4, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) giai đoạn 2 tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS).
Bị cáo Kwok Hakman Oliver (71 tuổi, quốc tịch Úc, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông) bị tòa án cấp sơ thẩm xác định đã ký toàn bộ hồ sơ, tài liệu hợp thức việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông năm 2018, với vai trò là đại diện theo pháp luật của các Công ty. Hành vi này đã giúp sức phát hành ba gói trái phiếu của Công ty An Đông, chiếm đoạt số tiền 24.900 tỉ đồng của các bị hại. Từ đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo này 5 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong phần tranh luận, LS của bị cáo bị cáo Oliver đã đề nghị cho bị cáo này hưởng tình tiết giảm nhẹ phạm tội do lạc hậu. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Tại tòa hôm nay, luật sư (LS) của bị cáo Oliver cho biết tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng bốn tình tiết giảm nhẹ (người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác) cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, mức án 5 năm 6 tháng là quá nghiêm khắc.
LS cho rằng thân chủ của mình phạm tội lần đầu, vai trò thứ yếu không đáng kể trong vụ án đồng phạm. Bởi, Oliver chỉ là người điều hành hoạt động hằng ngày của Công ty Windsor và An Đông Plaza. Bị cáo này không được quản lý, điều hành hoạt động tài chính của Công ty An Đông nên có vai trò hạn chế trong việc phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, LS cũng trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ mới như bị cáo Oliver tại cấp phúc thẩm đã chủ động nộp thêm 500 triệu đồng (sơ thẩm nộp 1 tỉ đồng). Tiếp đến là bị cáo tham gia tích cực phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, tham gia đóng góp xây dựng công trình phúc lợi, nhà tình thương.
Đáng chú ý, LS đề nghị VKS và HĐXX xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ "phạm tội do lạc hậu" được quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 51, BLHS vì bản thân bị cáo Oliver đến nay đã hơn 70 tuổi, trong số đó thì có tới gần 60 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài (Úc), khi gần cuối đời lựa chọn Việt Nam là nơi làm ăn sinh sống thì xảy ra vụ việc. Điều này xuất phát từ rào cản ngôn ngữ, rào cản về khả năng hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên đã vi phạm pháp luật.
Giải thích cho sự "lạc hậu" của thân chủ, LS cho rằng không phải bị cáo Oliver lạc hậu, kém cỏi với môi trường, cuộc sống ở Việt Nam mà lạc hậu ở đây là sự kém cỏi, thiếu hiểu biết về pháp luật. Đặc biệt là pháp luật chuyên ngành đặc thù trong phát hành trái phiếu.
Từ những yếu tố trên LS đề nghị cho bị cáo Oliver được hưởng mức hình phạt bằng thời gian tạm giam.
Đối với các bị cáo khác như Trần Thị Mỹ Dung (nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Trịnh Quang Công (tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Acumen), Nguyễn Vũ Anh Thi (Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam), LS bào chữa cho các bị cáo này đề nghị HĐXX và VKS xem xét lại mức độ tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu vì các bị cáo này chỉ tham gia vào một công đoạn, có vai trò hạn chế khi thực hiện hành vi phạm tội.
HỮU ĐĂNG
TRẦN LINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/luat-su-cua-1-bi-cao-nguoi-nuoc-ngoai-de-nghi-cho-than-chu-huong-tinh-tiet-pham-toi-do-lac-hau-post842526.html