Tết Nguyên đán Ất Tỵ qua đi, công việc của hầu hết mọi người trở lại bình thường, các vấn đề liên quan đến lao động được nhiều bạn đọc quan tâm và gửi câu hỏi tới Pháp Luật TP.HCM.
Để giải đáp các thắc mắc của bạn đọc, PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Mai Thùy Dương, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Nếu không đảm bảo quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Ảnh: NGUYỆT NHI
Được bồi thường, nhận quyền lợi khi cắt giảm nhân sự
. Bạn đọc Minh Thư: Để giải quyết khó khăn tài chính hay để làm gọn bộ máy, nhiều doanh nghiệp, cơ quan đã tính đến việc cắt giảm nhân sự. Xin hỏi, người lao động có được bồi thường khi cắt giảm nhân sự không? Với những người đang có hợp đồng lao động không xác định thời hạn sẽ được nhận quyền lợi chính đáng gì khi bị cắt giảm nhân sự?
+ Luật sư Mai Thùy Dương: Việc cắt giảm nhân sự trong doanh nghiệp cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn, người lao động khi bị cắt giảm nhân sự có thể được hưởng các quyền lợi sau:
Người lao động có thể được hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc, tùy thuộc vào lý do cắt giảm nhân sự và loại hợp đồng lao động.
Cụ thể, trợ cấp mất việc làm theo Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 sẽ được doanh nghiệp chi trả nếu người lao động bị mất việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế. Mức trợ cấp ít nhất 1 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc nhưng không thấp hơn 2 tháng tiền lương. Điều kiện hưởng trợ cấp người lao động đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên.
Đối với trợ cấp thôi việc, Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định nếu doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng không phải vì lỗi của người lao động thì sẽ phải chi trả khoản này. Mức trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc. Không áp dụng cho trường hợp người lao động bị sa thải do vi phạm kỷ luật.
Tuy nhiên cần lưu ý, thời gian tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Như vậy có thể hiểu nếu người lao động đã đóng các loại bảo hiểm xã hội bắt buộc cho toàn bộ thời gian đã làm cho doanh nghiệp thì sẽ không có trợ cấp mất việc, trợ cấp thôi việc vì khi đó BHXH sẽ chi trả bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi mất việc có thể được nhận trợ cấp thất nghiệp (mức hưởng tối đa 60% mức lương trung bình của 6 tháng liền kề).
.Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo quyền lợi cho người lao động, doanh nghiệp có bị xử phạt hay không và xử phạt ra sao?
+ Nếu doanh nghiệp cắt giảm nhân sự trái luật mà không trả đủ trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc, có thể bị xử phạt theo quy định. Cụ thể, nếu không trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động hay không không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... thì tùy theo số lao động mà doanh nghiệp có vi phạm mà có thể bị xử phạt từ 1-20 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng buộc phải trả đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả.
Người lao động bị cắt giảm có quyền được nhận trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc, tùy theo lý do chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra, họ còn có quyền được báo trước, hưởng bảo hiểm thất nghiệp và nhận đầy đủ giấy tờ liên quan. Nếu doanh nghiệp vi phạm quy định, không chi trả trợ cấp đúng luật, sẽ bị xử phạt hành chính và buộc bồi thường.
Doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định trên để tránh rủi ro pháp lý và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Hợp đồng lao động bao lâu được đóng BHXH?
. Bạn đọc Văn Qui: Công ty tôi do đặc điểm công việc nên thường ký hợp đồng lao động ngắn hạn. Xin hỏi, doanh nghiệp có quyền ký nhiều lần hợp đồng ngắn hạn hay không? Mặt khác, hợp đồng bao lâu sẽ được đóng BHXH?
+ Theo Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp không được ký nhiều lần hợp đồng lao động ngắn hạn với cùng một người lao động, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định loại hợp đồng lao động gồm: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn (tối đa 36 tháng).
Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Chỉ được ký tối đa 2 lần hợp đồng xác định thời hạn. Sau đó, nếu người lao động vẫn làm việc thì hợp đồng sẽ tự động chuyển thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Khoản 3 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 cho phép một số trường hợp ngoại lệ được ký nhiều hợp đồng xác định thời hạn, bao gồm người lao động cao tuổi, người lao động nước ngoài.
Nếu doanh nghiệp ký quá 2 lần hợp đồng có thời hạn mà vẫn tiếp tục sử dụng lao động, hợp đồng sẽ bị coi là hợp đồng không xác định thời hạn, và khi chấm dứt sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ bồi thường theo luật.
Theo Luật BHXH 2014 và Nghị định 115/2015, việc tham gia BHXH dựa vào thời hạn hợp đồng lao động.
Điều 2 khoản 1 Luật BHXH 2014 quy định đối tượng bắt buộc tham gia BHXH gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên.
Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên.
Điều 4 Nghị định 115/2015 hướng dẫn chi tiết: Hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng chỉ đóng BHXH, không đóng BHTN; hợp đồng từ 3 tháng trở lên đóng cả BHXH, BHYT và BHTN; hợp đồng dưới 1 tháng không phải đóng BHXH bắt buộc.
Như vậy, nếu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động 1 tháng trở lên thì bắt buộc đóng BHXH cho người lao động. Nếu ký hợp đồng dưới 1 tháng, doanh nghiệp không phải đóng BHXH nhưng vẫn có thể đóng tự nguyện nếu thỏa thuận với người lao động.
HUỲNH THƠ