Vừa qua, Liên đoàn Luật sư VN tổ chức hội thảo để góp ý cho Cuốn giải thích Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN.
Cuốn dự thảo giải thích có nội dung giải thích chi tiết các quy tắc hành nghề, định hướng hành xử chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng hành nghề và uy tín của giới luật sư, là tài liệu để xã hội hiểu rõ hơn về trách nhiệm và giới hạn đạo đức của luật sư...
Cuốn giải thích này sau khi được ban hành sẽ có giá trị tham khảo và hướng dẫn chính thức cho giới luật sư, là tài liệu tham chiếu quan trọng trong việc giảng dạy, đào tạo và đặc biệt là khi xảy ra tranh luận về việc hiểu và áp dụng các chuẩn mực nghề nghiệp.
Quy tắc 9 quy định 9 việc luật sư không được làm với khách hàng. Trong đó, luật sư không được hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư (Quy tắc 9.8).
Các luật sư tại một phiên tòa ở TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH
Thế nào là “kết quả vụ việc"?
Theo cuốn giải thích (bản thảo, nội dung giải thích không có tính bắt buộc thực hiện mà chỉ có giá trị tham khảo), kết quả vụ việc được hiểu là những nội dung về quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm...của khách hàng hoặc các bên liên quan được xác lập, thay đổi, chấm dứt... trong quá trình luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.
Ví dụ, hình phạt trong bản án hình sự, mức bồi thường trong bản án dân sự, nội dung khởi tố, truy tố, đình chỉ vụ án... trong quyết định tố tụng, nội dung văn bản do cơ quan quản lý nhà nước ban hành như giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp... Kết quả vụ việc cũng có thể là việc giao kết được hợp đồng giữa các bên tham gia giao dịch...Thời gian để hoàn tất một công việc cũng có thể được hiểu là một “kết quả”.
Mục đích của hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả thường là điều kiện để khách hàng quyết định giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với luật sư, thỏa thuận mức thù lao, hoặc để khách hàng tiếp tục thực hiện hay sửa đổi hợp đồng dịch vụ pháp lý (ví dụ tăng mức thù lao) trong quá trình thực hiện vụ việc.
Do đó, thông thường việc hứa hẹn, cam kết được thể hiện gần với hợp đồng. Ví dụ như cấu thành một điều khoản của hợp đồng hoặc phụ lục sửa đổi, bổ sung hợp đồng. Việc hứa hẹn, cam kết cũng có thể được thể hiện dưới hình thức khác như văn bản, lời nói trong quá trình trao đổi chuẩn bị giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Để xác định là hứa hẹn, cam kết, thông tin đưa ra phải mang tính khẳng định chắc chắn. Đối tượng, mục đích của hợp đồng dịch vụ pháp lý cho dù có thể hiện kết quả vụ việc nhưng không thể hiện nội dung cam kết chắc chắn về kết quả đó thì không bị xem là hứa hẹn, cam kết.
Ví dụ, hợp đồng dịch vụ pháp lý có ghi mục đích là "hợp thức hóa nhà đất để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng" thì không phải là "hứa hẹn, cam kết". Việc luật sư đưa ra những thông tin có thể gây nhầm lẫn về khả năng, trình độ, kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn.... luật sư không được điều chỉnh bằng quy tắc 9.8 (mà được điều chỉnh, xử lý bằng quy tắc 9.7 và quy tắc 32).
Việc luật sư giải thích quy định pháp luật, đưa ra ý kiến tư vấn pháp lý và dự kiến về kết quả vụ việc không được xem là hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả. Những nội dung này phụ thuộc vào quan điểm độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư và luật sư cần lưu ý tuân thủ các quy tắc khác…Tuy nhiên, luật sư cần thận trọng khi đưa ra thông tin dự kiến về khả năng kết quả vụ việc để không gây nhầm lẫn cho khách hàng đây là những nội dung hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả.
“Khả năng" và "điều kiện” của luật sư
"Khả năng" bao gồm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp.... "Điều kiện" bao gồm những yếu tố như tình trạng sức khỏe, phương tiện, thời gian dành cho vụ việc và những yếu tố khác thuộc về chủ quan của luật sư.
Khả năng và điều kiện của luật sư bao gồm cả khả năng và điều kiện của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư làm việc (nếu có) và các dịch vụ hỗ trợ bên ngoài mà luật sư có thể sử dụng, ví dụ như các dịch vụ văn phòng, giám định, dịch thuật, công chứng, chứng thực... Luật sư có thể xác định khả năng và điều kiện của mình theo ý kiến chủ quan vào thời điểm đưa ra hứa hẹn, cam kết và căn cứ vào đó để đưa ra hứa hẹn, cam kết một cách thận trọng.
Yêu cầu thận trọng trong việc đưa ra hứa hẹn, cam kết buộc luật sư không được hứa hẹn, cam kết về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư, tức là những nội dung còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, không thuộc phạm vi kiểm soát được một cách hợp pháp, chính đáng của luật sư.
Ví dụ như bản án, quyết định tố tụng được ra trên cơ sở xem xét căn cứ pháp lý và tình tiết của vụ án, tuy có xét đến ý kiến, quan điểm bảo vệ, bào chữa của luật sư, nhưng không thể phụ thuộc vào ý chí, khả năng và điều kiện chủ quan của luật sư nên luật sư không được phép đưa ra lời hứa hẹn hay cam kết về nội dung của bản án, quyết định tố tụng đó.
Tương tự, khi giúp đỡ khách hàng đàm phán để xác lập một giao dịch dân sự (ví dụ như mua bán nhà), thì việc có xác lập được giao dịch hay không phần nhiều tùy thuộc vào ý chí của các bên tham gia, nên luật sư không thể đưa ra hứa hẹn, cam kết gì về việc sẽ xác lập được giao dịch đó, cũng như thời gian chắc chắn để xác lập được giao dịch.
Tuy nhiên, trong trường hợp mà vụ việc có nội dung công việc tương đối đơn giản, chỉ có tính chất thủ tục hành chính, pháp luật có quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục, thời gian... (ví dụ như xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư...), việc luật sư đưa ra cam kết về thời gian thực hiện và kết quả của vụ việc không bị xem là vi phạm Quy tắc 9.8. Cho dù như vậy, luật sư vẫn cần thận trọng khi đưa ra cam kết về kết quả trong những trường hợp này.
Cam kết bảo đảm kết quả khác tính thù lao theo kết quả?
Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả và tính thù lao theo kết quả vụ việc là hai vấn đề khác nhau. Không phải hễ tính thù lao theo kết quả vụ việc thì bị xem là hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả.
Việc luật sư thỏa thuận với khách hàng nội dung luật sư chịu trách nhiệm, ví dụ như bồi thường thiệt hại hoặc phạt vi phạm, nếu không đạt được một kết quả có lợi cho khách hàng có thể bị xem là cam kết bảo đảm kết quả, cho dù luật sư có đưa ra cam kết cụ thể hay không. Vì việc thỏa thuận trách nhiệm do không thực hiện được kết quả gián tiếp xác định cam kết nghĩa vụ của luật sư đối với kết quả.
YẾN CHÂU