Luật sư Nguyễn Văn Hoàng: Hệ thống camera giám sát giúp quản lý xã hội minh bạch hơn

Luật sư Nguyễn Văn Hoàng: Hệ thống camera giám sát giúp quản lý xã hội minh bạch hơn
14 giờ trướcBài gốc
Hà Nội dự kiến sẽ lắp đặt khoảng 40.200 camera giám sát, bao gồm hơn 12.000 camera có khả năng quay, quét, phóng to và thu nhỏ (camera PTZ), cùng với hơn 28.200 camera cố định. Việc triển khai sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn: từ 2025-2030 và giai đoạn sau 2030.
Mục đích chính của việc nâng cấp hệ thống camera giám sát là nhằm tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, cũng như quản lý tình hình giao thông, môi trường và các vấn đề đô thị khác. Theo đó, khoảng 23.700 camera sẽ được sử dụng cho mục đích đảm bảo an ninh và xử lý vi phạm, trong khi gần 300 camera phục vụ cho mục đích quốc phòng và hơn 16.200 camera được dành cho quản lý về an toàn giao thông, hạ tầng và trật tự đô thị.
Hà Nội dự kiến sẽ lắp đặt khoảng 40.200 camera giám sát.
Việc nghiên cứu và xây dựng đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát nhằm triển khai đồng bộ, hiện đại và kết nối dữ liệu, đáp ứng yêu cầu mở, minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành. Đây là một trong những nỗ lực của Thủ đô nhằm thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động quản lý, phù hợp với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ.
Hà Nội hiện nay đã triển khai hơn 20.400 camera giám sát, song các hệ thống này chủ yếu được lắp đặt nhỏ lẻ và phân tán tại nhiều địa phương và chưa đảm bảo tính đồng nhất. Những tồn tại như thiếu quy hoạch tổng thể, công nghệ lỗi thời, khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu kém gây khó khăn lớn trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). Việc tích hợp camera xã hội hóa cũng còn gặp vấn đề về an ninh và quyền riêng tư.
Hơn nữa, nhu cầu về một hệ thống giám sát tập trung trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong thời đại hiện đại hóa đô thị. Đây không chỉ là yêu cầu để nâng cao tính hiệu quả trong quản lý xã hội mà còn là nền tảng để xây dựng thành phố thông minh, nơi công nghệ được áp dụng tối đa để phục vụ người dân, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ điều hành giao thông hiệu quả.
"Đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội" hướng đến các mục tiêu chính như xây dựng khung kiến trúc chung cho hệ thống camera giám sát đồng bộ và công nghệ hiện đại. Tập trung hóa dữ liệu để tạo nên một kho dữ liệu dùng chung, phục vụ quản lý, điều hành và theo dõi an ninh trật tự, giao thông.
Đồng thời dùng ứng dụng công nghệ hiện đại như AI, IoT (Internet vạn vật), và Big Data trong phân tích hình ảnh và dữ liệu, giúp hỗ trợ đưa ra các quyết định nhanh chóng và hiệu quả. Minh bạch hóa và truyền thông số liệu để chính quyền tương tác hiệu quả với người dân và doanh nghiệp.
Và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống sẵn có, bao gồm cả camera xã hội hóa, nhằm xây dựng một trung tâm giám sát, điều hành thông minh tích hợp hoàn chỉnh.
Hệ thống camera giám sát tập trung sẽ được triển khai theo mô hình 3 cấp: cấp xã/phường, cấp quận/huyện và cấp thành phố, tích hợp và vận hành trên nền tảng chung.
Các thành phần chính của hệ thống được xây dựng bao gồm: Hệ thống quản lý video giúp kết nối và quản lý toàn bộ tín hiệu từ các camera trên địa bàn; Hệ thống phân tích hình ảnh như sử dụng AI để nhận diện khuôn mặt, biển số, hướng di chuyển và các tình huống bất thường như ùn tắc giao thông hoặc tụ tập đông người.
Hạ tầng lưu trữ thông tin được lưu trữ tại Trung tâm IOC (Trung tâm điều hành thông minh), đảm bảo dữ liệu được đồng bộ, an toàn và bảo mật cao. Hạ tầng truyền dẫn được kết nối bằng cáp quang hoặc mạng 4G/5G, đảm bảo ổn định và tốc độ truyền dữ liệu.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt theo Luật An ninh mạng để bảo vệ dữ liệu trước tấn công từ các đối tượng xấu.
Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp camera từ các khu đô thị, tòa nhà văn phòng, ga tàu, bến xe, qua đó mở rộng khả năng giám sát đến nhiều lĩnh vực, từ an ninh xã hội, giao thông đến trật tự đô thị. Các camera được đầu tư cần đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để đảm bảo tính tương thích và hiệu quả vận hành.
Liên quan đến việc Hà Nội triển khai lắp thêm hơn 40.000 camera, trao đổi với phóng viên Petro Times, Ths. Luật sư Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trật tự an toàn giao thông là vô cùng quan trọng và bức thiết. Bởi hệ thống giao thông mà phát triển sẽ là tiền đề tạo đà phát triển cho cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội và đời sống của người dân được nâng cao. Từ trước đến nay, Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn giao thông, trong đó có những quy định sau khi được ban hành đã lập tức phát huy hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế và nhận được sự đồng thuận cao của người dân và xã hội. Tuy nhiên, cũng có các quy định pháp luật trong lĩnh vực này sau khi được ban hành thì không thể triển khai vì thiếu tính thực tế, không phù hợp với tình hình kinh tế đất nước và đặc biệt là không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân.
Ths. Luật sư Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Cũng theo Luật sư Hoàng, hệ thống camera giám sát đóng vai trò quan trọng trong quản lý và đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Việc triển khai hệ thống này mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trước hết, hệ thống này giúp tăng cường quản lý nhà nước. Các camera giám sát có thể kiểm soát tốt hơn các lĩnh vực an toàn giao thông và an ninh trật tự, qua đó dễ dàng phát hiện các hành vi vi phạm. Ngoài ra, hệ thống còn hỗ trợ phát hiện kịp thời các vấn đề về cơ sở hạ tầng, giúp các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời.
Một lợi ích khác là hỗ trợ quản lý giao thông hiệu quả. Hệ thống camera giúp nhận diện và giải quyết các tình trạng ùn tắc, tê liệt giao thông. Đồng thời, dữ liệu thu thập được cũng cung cấp thông tin chính xác về lưu lượng phương tiện, từ đó hỗ trợ việc lên kế hoạch cải thiện hệ thống giao thông.
Mặc dù vậy, theo Luật sư Nguyễn Văn Hoàng việc triển khai hệ thống camera giám sát cũng đặt ra một số thách thức cần được giải quyết. Trong đó, vấn đề bảo vệ quyền riêng tư và nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân là mối quan ngại lớn. Ngoài ra, việc lạm dụng dữ liệu từ hệ thống vì mục đích xấu cũng là một rủi ro đáng lưu ý.
Trong thời đại công nghệ hiện đại, việc ứng dụng khoa học và công nghệ để quản lý và phát triển là một điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để công nghệ phát huy tác dụng tối đa chính là năng lực quản lý và vận hành hiệu quả. Nếu không, các nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn có thể khiến cho những thành quả công nghệ trở nên vô nghĩa.
Ví dụ, nếu có tới một triệu xe không người lái đang hoạt động trên đường mà bị hacker kiểm soát và dừng hoạt động, hậu quả sẽ là vô cùng nghiêm trọng. Những phương tiện giao thông tự động hóa này được thiết kế để tăng cường an toàn và hiệu quả, nhưng nếu bị can thiệp bởi các hành vi tấn công mạng, chúng có thể trở thành công cụ gây ra những thảm họa khôn lường. Điều này cho thấy rằng, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, việc xây dựng và duy trì một hệ thống quản lý vận hành an toàn, bảo mật là vô cùng quan trọng.
Để phát huy tối đa lợi ích của hệ thống camera giám sát, Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ vận hành, đồng thời tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Song song đó, cần có các chính sách rõ ràng nhằm bảo vệ quyền riêng tư của công dân.
"Hệ thống camera giám sát là một công cụ hiệu quả trong công tác quản lý và đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai cần được thực hiện một cách đồng bộ và chặt chẽ, đảm bảo tối ưu hóa lợi ích đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực", Luật sư Hoàng nhấn mạnh.
Đình Khương
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/luat-su-nguyen-van-hoang-he-thong-camera-giam-sat-giup-quan-ly-xa-hoi-minh-bach-hon-723398.html