Luật sư Phạm Hồng Hải, thế hệ đàn anh của giới luật sư

Luật sư Phạm Hồng Hải, thế hệ đàn anh của giới luật sư
3 giờ trướcBài gốc
Thông tin luật sư Phạm Hồng Hải mất sáng qua (5-10), đang nhận được nhiều chia sẻ, đầy thương cảm của giới luật sư cũng như những người làm công tác pháp luật. Ông đã vắng bóng 13 năm qua từ khi bị tai biến, không thể tiếp tục hành nghề nhưng việc ông ra đi đã gợi lại nhiều cảm xúc của thế hệ vàng luật học nước nhà.
PGS -TS - Luật sư Phạm Hồng Hải cùng Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2007. Ảnh: GĐCC
Trên cáo phó mà gia đình đăng tải, luật sư Phạm Hồng Hải sinh năm 1951. Nhưng các bạn đồng lứa như Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAQS Trung ương, đều biết Hải râu - biệt danh người bạn nghề sinh năm 1954.
Quê Hải Dương, thông minh nhanh nhẹn nên ông Hải theo các anh các chị đến lớp. Và cứ thế, trong hoàn cảnh chiến tranh thời ấy, ông cứ nhảy cóc, rồi tốt nghiệp cấp III hệ 10 năm khi mới 15 tuổi.
Năm 1969, ông khai tăng tuổi để vào bộ đội. Sau khóa học ngắn về kỹ thuật rada, ông được biên chế vào đoàn tàu không số, chuyên đưa vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho miền Nam. Năm 1974, trong một lần chuẩn bị thì tàu của ông bị máy bay Mỹ phát hiện, bắn phá. Ông là một trong hai người sống sót, với cánh tay trái giập nát mất 61% sức khỏe.
Thoát chết, về trại điều dưỡng, cậu thương binh Phạm Hồng Hải ôn thi đại học, rồi trúng tuyển đúng nguyện vọng vào Đại học Y Hà Nội. Tuy nhiên ở thời điểm đó, Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp cần tìm những người có lý lịch tốt, học lực xuất sắc để cử sang các nước XHCN đào tạo các ngành luật. Vậy là một lớp được hình thành, 21 người, toàn thương binh và bộ đội xuất ngũ được bồi dưỡng ngoại ngữ để đưa sang học luật ở Tasken, Liên Xô cũ.
Về nước những năm 1979 -1980, những cử nhân luật được đào tạo bài bản như ông Hải, ông Độ trở thành những nghiên cứu viên, cán bộ chuyên môn nòng cốt của nhiều cơ quan trung ương. Trong đó, ông Hải được phân công về Viện Nhà nước và Pháp luật.
Lưu học sinh Phạm Hồng Hải (ngồi, thứ tư từ trái sang) cùng các bạn trong lớp luật tại Tasken, Liên Xô cũ. Ảnh: Fb Trần Đức Thìn, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội.
Ông Phạm Hữu Nghị, đồng nghiệp tại Viện Nhà nước và Pháp luật vẫn nhớ thời ấy, khi ông về Viện Nhà nước và Pháp luật công tác thì đã có nhóm “ngũ hổ”, là các cựu chiến binh, thương binh. Trong số này, Phạm Hồng Hải là một nghiên cứu viên say mê công việc, công bố nhiều bài viết trên vài tạp chí ít ỏi của ngành luật non trẻ thời chập chững xây dựng đất nước trong hòa bình, thống nhất.
Không chỉ vậy, Phạm Hồng Hải còn có duyên với văn nghệ, thể thao và năng nổ công tác công đoàn chăm lo đời sống cho anh em thời bao cấp…
Trung tướng Trần Văn Độ vẫn nhớ bạn đồng lứa Hải "râu" là người rất thẳng tính, phóng khoáng nên không dễ được lòng lãnh đạo. Cũng vì vậy, dù rất giỏi chuyên môn, tiếng Nga tốt, nhưng mãi khi Liên Xô sắp sụp đổ, ông mới có được một suất nghiên cứu sinh nước bạn. Để rồi khi bảo vệ luận án tiến sĩ về chống oan sai trong tố tụng hình sự Việt Nam, năm 1993 ấy, Liên Xô không còn nữa mà là Liên bang Nga kế thừa.
Có lẽ vì mải mê với đề tài đó, mà khi về nước, vừa trọn vẹn với nhiệm vụ nghiên cứu viên Viện Nhà nước và Pháp luật, Phạm Hồng Hải đã bén duyên với nghề luật sư. Đấy là thời mà luật sư còn đếm trên đầu ngón tay, và chưa “thị trường” như bây giờ. Những thân chủ đầu tiên nhiều khi cùng cảnh ngộ cựu chiến binh, thương binh. Và thù lao chỉ là túi ổi thơm, củ khoai củ sắn thấm đẫm mồ hôi chiến hữu.
Và chính những công chức, viên chức vừa làm công tác nghiên cứu, giảng dạy luật học vừa chân ngoài luật sư hay bào chữa viên nhân dân như vậy đã đóng góp thêm chất liệu cho Đảng khởi động công cuộc cải cách tư pháp bằng Nghị quyết 08 (2002), Nghị quyết 49 (2005)…
Từng phải ghi danh Đoàn Luật sư Hải Phòng để làm luật sư như một nghề tay trái, một thời gian sau Pháp lệnh Luật sư 2001, PGS-TS-Luật sư Phạm Hồng Hải nghỉ công việc ở Viện Nhà nước và Pháp luật. Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, nhưng bớt ràng buộc hành chính để tham gia nhiều hơn ở vai trò luật sư.
Cầu thủ Phạm Hồng Hải (ngồi, thứ hai từ trái sang) trong đội bóng lưu học sinh Việt Nam tại Tasken, Liên Xô cũ. Ảnh: GĐCC.
Các thân chủ vẫn nhớ tới Phạm Hồng Hải với những bào chữa, những lập luận hùng hồn tại các phiên tòa. Nhớ tới ông và đồng nghiệp lội ngược dòng trong vụ án vườn điều, Bình Thuận, đến nay đã thành bài học ở nhiều trường luật, trường nghề của các cơ quan tư pháp.
Nhưng với các đồng nghiệp, đồng môn còn nhớ tới Phạm Hồng Hải sẵn sàng tham gia bảo vệ những thân chủ đang bị dư luận, báo chí soi. Bởi ông tin rằng, bất kể thế nào, họ mới chỉ là người bị tình nghi phạm tội. Trong những ca như vậy, ông luôn khuyên thân chủ thành khẩn, nhận thức đầy đủ về hành vi vi phạm của mình, nhưng cũng phải dũng cảm đấu tranh, nhất là khi động lực những vụ án ấy còn đến từ cạnh tranh, giành giật quyền - tiền.
Khi đã chuyên tâm với nghề luật sư, PGS-TS-Phạm Hồng Hải nhanh chóng được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội. Và rồi ông là Phó Chủ tịch trong nhiệm kỳ đầu tiên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam – tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới luật sư cả nước được thành lập theo Luật Luật sư 2006.
Một ngày sau khi ông mất, Tạp chí Luật sư – cơ quan của Liên đoàn Luật sư Việt Nam dành cho ông nhận xét trân trọng: "Luật sư Phạm Hồng Hải chính là người đã nhắc nhở chúng ta về sự trở lại mạnh mẽ của nghề này, với vai trò không chỉ là người bào chữa mà còn là người bảo vệ công lý và phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời kỳ hiện đại.
Nghĩa Nhân
Nguồn PLO : https://plo.vn/luat-su-pham-hong-hai-the-he-dan-anh-cua-gioi-luat-su-post813607.html