Luật sư và hãng AP sẽ bảo vệ quyền lợi tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm'

Luật sư và hãng AP sẽ bảo vệ quyền lợi tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm'
8 giờ trướcBài gốc
Quyết định tạm ngừng công nhận Nick Út là tác giả bức ảnh có tên Em bé Napalm của World Press Photo được đưa ra, sau khi bộ phim tài liệu The dtringer công chiếu hồi đầu năm 2025, nêu nghi vấn rằng bức ảnh có thể do một người khác tên là Nguyễn Thành Nghệ chụp.
Bức ảnh Em bé Napalm được công bố năm 1972
Theo bộ phim, Nguyễn Thành Nghệ, một tài xế của hãng tin NBC đã bán ảnh cho AP với tư cách là một cộng tác viên tự do. Nhiếp ảnh gia Nghệ bị hãng tin AP bác quyền ghi nhận là tác giả ảnh vì không phải nhân viên chính thức.
Bộ phim đã thúc đẩy World Press Photo vào cuộc điều tra riêng. Phân tích nội bộ được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 5.2025 đã kết luận nội dung trên "dựa trên phân tích về vị trí, khoảng cách và máy ảnh được sử dụng vào ngày hôm đó".
Theo kết luận của World Press Photo, các nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ hoặc Huỳnh Công Phúc có thể đã ở vị trí tốt hơn để chụp bức ảnh này so với Nick Út.
"Theo phân tích vị trí, khoảng cách và loại máy ảnh được sử dụng hôm đó, chúng tôi xác định nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ có khả năng cao là người chụp bức ảnh", Joumana El Zein Khoury, Giám đốc World Press Photo cho biết.
Nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) chia sẻ với báo chí: “Tôi để luật sư và hãng AP trả lời”. Ông cũng tiếp tục khẳng định vụ việc xảy ra là do mâu thuẫn giữa ông và Gary Night. Knight chính là người sản xuất và đóng vai chính trong The Stringer - bộ phim đặt câu hỏi về tác quyền bức ảnh Em bé Napalm.
Ông cũng cho biết vừa từ Việt Nam trở lại California hơn một tuần trước, khi ở Hà Nội ông đã có một tour du lịch cùng bạn bè nên bị cảm nặng tới nay vẫn chưa hết.
Tuy sức khỏe kém và phải đối diện với việc World Press Photo tạm dừng công nhận Nick Út là tác giả của Em bé Napalm sau hơn 50 năm được vinh danh, nhưng ông luôn lạc quan và vui vẻ. “Tôi không có gì phải lo hết. Tôi được sự bảo vệ của hãng AP và luật sư của tôi”, ông tuyên bố.
Nhiếp ảnh gia Nick Út và bức ảnh
Nhận định về vụ việc này, bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, World Press Photo là giải thưởng ảnh báo chí rất có uy tín trên thế giới.
Quyết định của tổ chức này về việc tạm dừng ghi nhận Nick Út là tác giả của ảnh Em bé Napalm cần được hiểu đây chưa phải là nhận định chính thức và cuối cùng về tác giả tấm ảnh này. Chúng ta cần chờ những quyết định của các tổ chức có thẩm quyền liên quan.
Bà Trần Thị Thu Đông cho biết thêm, hiện nay, việc tranh chấp bản quyền ảnh vẫn còn khá phổ biến và gây bức xúc trong giới nhiếp ảnh cũng như những người làm sáng tạo nội dung. Ở Việt Nam cũng đã từng xảy ra một số trường hợp nhưng cơ bản đều được giải quyết, vì các tác phẩm tranh chấp còn đầy đủ bằng chứng và thời gian gần.
"Việc phân định bản quyền ảnh, đặc biệt là các bức ảnh có thời gian tới 50 năm như Em bé Napalm thực sự rất khó khăn vì thời kỳ này các tác giả chụp bằng phim in tráng. Với một bức ảnh đã được công bố hơn 50 năm và lại rất nổi tiếng mà đến nay lại nảy sinh vấn đề cần xác minh, giải quyết tranh chấp thì cần phải thận trọng và cân nhắc kỹ lượng. Vì rất khó xác minh nên chưa vội kết luận khi thiếu các căn cứ bằng chứng dữ liệu chứng minh”, bà Thu Đông chia sẻ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh nói rõ thêm: “Chúng tôi cũng rất đồng tình với việc làm rõ tác giả đích thực của tác phẩm, đảm bảo sự công bằng và xứng đáng, để không có ai bị oan và thiệt thòi hoặc bị mang tiếng không tốt".
Bà Trần Thị Thu Đông nhận xét thêm: "Bức ảnh Em bé Napalm đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của công chúng quốc tế về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, thúc đẩy các phong trào phản chiến. Di sản của nó không chỉ dừng lại ở giá trị thông tin hay nghệ thuật mà còn ở khả năng lay động và thay đổi thế giới. Tác phẩm này đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử nhiếp ảnh thế giới.
Bức ảnh không chỉ là một tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đã vượt qua ranh giới của một bức ảnh báo chí thông thường để trở thành một biểu tượng phản chiến mạnh mẽ. Bức ảnh là một minh chứng cho sức mạnh của nhiếp ảnh trong việc phản ánh hiện thực, khơi gợi cảm xúc và đóng góp vào những thay đổi xã hội tích cực”.
Vì vậy, bà Trần Thị Thu Đông cho rằng, dù tác giả bức ảnh này là của ai, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam luôn trân trọng giá trị của bức ảnh và tác động của bức ảnh này trong cuộc chiến tranh tàn ác của Mỹ tại Việt Nam. Và vấn đề này một lần nữa đặt ra tầm quan trọng của vấn đề bản quyền trong lĩnh vực nhiếp ảnh nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung.
Năm 1972, bức ảnh Em bé Napalm - bé gái Việt Nam bị bom napalm và những em bé khác gào khóc chạy ra đường dưới trận bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh được đăng tải trên trang nhất trên các báo Mỹ, đã gây chấn động thế giới.
Em bé Napalm lúc đó được đề tên tác giả là Nick Út đã cho cả thế giới thấy sự thật về cuộc chiến phi nghĩa mà Mỹ đang gây ra tại Việt Nam. Năm 2010, bức ảnh được tờ New Statesman bình chọn là bức ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
Năm 2019, Em bé Napalm tiếp tục được bình chọn là bức ảnh có sức lay động nhất thế giới. Cuộc bình chọn được thực hiện bởi kênh truyền hình Anh quốc History để ra mắt loạt phim "Những bức ảnh thay đổi thế giới".
Bức ảnh có giá trị trường tồn, chứng minh tội ác của chiến tranh, một cuộc chiến tranh vô nghĩa đã đẩy những người vô tội, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ vào cuộc sống bi thương chết chóc.
Bức ảnh còn là một bằng chứng lịch sử không thể chối cãi về những tội ác chiến tranh và những nỗi đau mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Nó nhắc nhở chúng ta về quá khứ đau thương để trân trọng hơn giá trị của hòa bình hiện tại và tôn trọng lịch sử, biết ơn và tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Đồng thời một lời nhắc nhở sâu sắc về sự tàn khốc của chiến tranh, sức mạnh của lòng nhân ái và khát vọng hòa bình mãnh liệt của nhân loại. Bức ảnh vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự cho đến ngày nay.
Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út, (sinh ngày 29.3.1951) là người Mỹ gốc Việt. Ông là phóng viên ảnh cho hãng tin Associated Press, ông từng được cho là đã chụp bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc (thường được biết như "Vietnam Napalm Girl" - cô gái Việt Nam bị napalm) và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh.
Bức ảnh đã mang lại cho ông giải Pulitzer và được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.
AN AN
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/luat-su-va-hang-ap-se-bao-ve-quyen-loi-tac-gia-buc-anh-em-be-napalm-135995.html