UBND cấp xã quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu
Giới thiệu về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ, Luật tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử để có thể tiến hành bầu cử sớm vào ngày 15/3/2026 và sửa đổi để kịp thời khắc phục một số vướng mắc trong công tác bầu cử.
Luật cũng lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến cấp huyện. Đồng thời, giao UBND cấp xã quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu và báo cáo UBND cấp tỉnh. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu. Ảnh: H.Ngọc
Điểm mới của Luật lần này là tăng số lượng thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương. Ủy ban Bầu cử ở tỉnh là 23-37 thành viên (Luật hiện hành là 21 -31 thành viên); Ủy ban Bầu cử ở xã là 9-17 thành viên (Luật hiện hành là 9-11 thành viên); Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội là 9-17 thành viên (Luật hiện hành là 9 -15 thành viên); Ban bầu cử HĐND cấp tỉnh là 11-15 thành viên (Luật hiện hành là 11-13 thành viên); Ban bầu cử HĐND cấp xã là 9 - 15 thành viên (Luật hiện hành là 7-9 thành viên).
Đồng thời, Luật quy định các Hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành phố có thành phần đại diện Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã trực thuộc tham dự thay cho thành phần cấp huyện như hiện nay.
Đa dạng hơn hình thức vận động bầu cử
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu cho biết, Luật vừa được Quốc hội thông qua đã điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử. Cụ thể từ thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày bầu cử là 42 ngày và từ ngày bầu cử đến ngày có thể khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là 22 ngày.
Theo đó, khoảng cách thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai là 2 ngày; khoảng cách thời gian từ thời hạn cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến ngày cuối tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba là 17 ngày; khoảng cách thời gian từ thời hạn cuối tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba đến thời hạn cuối công bố, niêm yết danh sách người ứng cử là 7 ngày; khoảng cách thời gian từ thời hạn cuối công bố, niêm yết danh sách người ứng cử đến ngày bầu cử là 16 ngày.
Thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại chậm nhất là 7 ngày sau ngày bầu cử; thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội là chậm nhất 10 ngày sau bầu cử như đối với thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử đại biểu HĐND các cấp; thời gian tiếp nhận khiếu nại về kết quả bầu cử chậm nhất là 3 ngày từ khi công bố kết quả bầu cử và thời gian xem xét giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Luật bổ sung chức danh "Thư ký" của Ủy ban Bầu cử và Ban Bầu cử; bổ sung thành phần đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia làm Ủy viên Ủy ban Bầu cử ở tỉnh. Đồng thời, quy định “danh sách Ủy ban Bầu cử ở xã phải được gửi đến Ủy ban Bầu cử ở tỉnh”.
Bổ sung quy định về việc hướng dẫn chuyển hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh khi người ứng cử chuyển công tác từ đơn vị hành chính này sang đơn vị hành chính khác mà đã hết thời hạn nộp hồ sơ ứng cử. Quy định đa dạng hơn các hình thức vận động bầu cử, bên cạnh hình thức trực tiếp, có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Ngoài ra, Luật bổ sung quy định trong quá trình triển khai thực hiện công tác bầu cử, nếu có phát sinh vướng mắc, giao Hội đồng Bầu cử quốc gia chủ động điều chỉnh thời gian phù hợp với thực tế và hướng dẫn các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện.
Anh Thảo