Liên kết, phát triển giao thông, kết cấu hạ tầng
Vùng Thủ đô với hạt nhân là Hà Nội được xác định là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội quan trọng nhất của cả nước, đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của vùng Ðồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và lan tỏa ra cả nước.
Ðể khẳng định vai trò này, Hà Nội cần có những bước đi đột phá, kết hợp với các yếu tố hỗ trợ cần thiết từ chính sách, hạ tầng và phối hợp vùng.
Quy hoạch liên kết vùng, tạo đà đưa Hà Nội phát triển xứng tầm
PGS.TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, để phát huy vai trò dẫn dắt và tạo động lực cho Vùng Thủ đô, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá, tập trung vào ba trụ cột chính: hạ tầng hiện đại, kinh tế sáng tạo và liên kết vùng.
Nhiều chuyên gia đánh giá cao giải pháp đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông và công nghệ. Các dự án trọng điểm như đường vành đai 4, cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc - Xuân Mai) được đẩy nhanh tiến độ sẽ tạo điều kiện, cơ hội để mở rộng không gian phát triển và kết nối với các tỉnh lân cận như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Ðồng thời, việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh và phát triển hạ tầng số hiện đại sẽ tạo nền tảng cho kinh tế số và đô thị thông minh, giúp Hà Nội dẫn đầu trong ứng dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn, bao gồm các mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng hàng không đã và đang được đầu tư mạnh tại Hà Nội không chỉ cải thiện giao thông trong nội đô, mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và người dân.
Luật Thủ đô 2024 cho phép Hà Nội được quyền xây dựng các dự án hoặc công trình trên địa bàn của mình nhưng phục vụ việc tăng cường, kết nối giữa các tỉnh thành với Hà Nội. Ví dụ như Điều 37, Thẩm quyền về đầu tư tại Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra khái niệm: “Dự án trọng điểm của Thủ đô là dự án có quy mô lớn, có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa, kết nối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Vùng Thủ đô và cả nước. HĐND TP Hà Nội quy định Danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô”. Như vậy, Luật Thủ đô mới đã trở thành căn cứ pháp lý vững chắc cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách với Thủ đô.
Việc Luật Thủ đô 2024 chú trọng đến vai trò, vị thế của Hà Nội trong liên kết vùng cũng mở ra nhiều cơ hội giảm tải cho Thủ đô về áp lực dân số, về hạ tầng giao thông, đồng thời thúc đẩy tăng cường liên kết vùng, tạo sức mạnh từ sự bổ sung và cộng hưởng.
Liên kết, phát triển kinh tế, thương mại
Không chỉ liên kết về giao thông, hạ tầng, về thương mại vùng TPHà Nội hiện nay, chưa hình thành hệ thống thương mại toàn vùng, bao gồm hệ thống bán buôn bán lẻ kho tàng hậu cần, chưa có sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh với TP Hà Nội. Về du lịch vùng Thủ đô, chưa có sự liên kết và hợp tác để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương, bao gồm du lịch cảnh quan, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa phục vụ cho nhiều đối tượng khách trong nước và quốc tế.
Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch Hà Nội nhận định: TP cần xây dựng cơ chế điều phối Vùng Thủ đô, kết nối chặt chẽ với các tỉnh lân cận. Các khu công nghiệp chuyên biệt hay vùng nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh lân cận cần được liên kết với chuỗi cung ứng của Hà Nội, tạo hiệu ứng lan tỏa kinh tế; phát triển các đô thị vệ tinh như Hòa Lạc, Ðông Anh thành đô thị thông minh, đô thị sinh thái và mở rộng không gian phát triển.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, khi các vùng đều phát triển, liên kết vùng sẽ tạo thuận lợi để Hà Nội phát triển xứng tầm là Thủ đô, là TP "Văn minh - Văn hiến - Hiện đại".
Theo Luật Thủ đô, các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thuộc Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc có trách nhiệm liên kết, phát triển theo các chương trình, dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia.
Liên kết Hà Nội với các địa phương trong vùng thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng sẽ cho phép Hà Nội khai thác sức mạnh tổng hợp và nguồn lực nhân tài giữa các tỉnh; thu hút các tập đoàn đa quốc gia xây dựng trụ sở và trung tâm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) tại TP và khu vực kinh doanh. Chiến lược này cũng cung cấp nguồn lao động chất lượng cao; thúc đẩy và hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo.
Tạo cơ sở pháp lý thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù
Ðể Hà Nội khẳng định vị thế đầu tàu, cần sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều yếu tố như cơ chế, chính sách đặc thù từ Trung ương. TP cần thêm các chính sách thí điểm về tài chính, đất đai và thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ hoạt động, chỉ đạo của cơ quan điều phối Vùng Thủ đô…
Thực tế, một trong những khó khăn lớn nhất của Hà Nội nhiều năm qua là thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông. Muốn khơi thông nguồn vốn, tất yếu phải mở một hành lang pháp lý thuận lợi, chắc chắn để thu hút được nhà đầu tư, đồng thời vẫn tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh đó, những tồn tại, bất cập thực tế đã được các chuyên gia chỉ rõ như: thiếu quy định về thu hồi giá trị đất đai trong khi làm dự án; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung; bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các dự án…
Những đòi hỏi thực tiễn đó đã được đáp ứng nhờ có Luật Thủ đô 2024. Cụ thể, Luật Thủ đô 2024 cho phép Hà Nội bổ sung loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng và chuyển giao công trình đó cho cơ quan có thẩm quyền sau khi hoàn thành; nhà đầu tư được thanh toán bằng ngân sách Nhà nước hoặc bằng quỹ đất.
Hoặc như quy định ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương ưu tiên bố trí để triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết phát triển vùng; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia vào chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng. Theo đó, với chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng có sử dụng ngân sách Nhà nước theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của UBND TP (với vai trò là đại diện của các địa phương và sau khi đã được HĐND cấp tỉnh của các địa phương có liên quan thống nhất, đồng thuận triển khai) và được ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí một phần hoặc toàn bộ, ưu tiên bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho các tỉnh thuộc liên kết vùng tham gia thực hiện chương trình, dự án hoặc ngân sách Trung ương giao bổ sung có mục tiêu cho UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện chương trình, dự án (khoản 1, 6 Điều 46 và khoản 2 Điều 45),...
Những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế điều phối hoạt động, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương sẽ nâng cao tính hiệu quả, khả thi của Luật, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển trọng điểm của đất nước.
Luật Thủ đô 2024 mở ra xây dựng cơ chế đặc thù cho các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển Vùng Thủ đô như giao thông liên vùng, đô thị xanh, đô thị tuần hoàn, đô thị số, đô thị thông minh… Đồng thời, tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô và Vùng Thủ đô được tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, các tuyến đường vành đai từ Hà Nội đi các TP/tỉnh vệ tinh. Luật Thủ đô được xem như là bệ phóng không chỉ cho Thủ đô mà còn để các tỉnh trong vùng Thủ đô sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ.
PGS.TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Thảo Nguyên