Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, phát biểu: Thực tế các quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp qua thời gian dài thực hiện, đến thời điểm hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập so với thực tiễn, tôi đề nghị, cần phải được sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các vướng mắc cho khu vực doanh nghiệp như các quy định liên quan đến thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, nguyên tắc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ…
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu tại buổi thảo luận về Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), sáng 28/11.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển nhanh của kinh tế trong nước, của khu vực và trên thế giới, Luật hiện hành đã thể hiện những bất cập về các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với các loại hình kinh doanh mới và xu thế phát triển. Tác động của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng thời gian qua còn tương đối hạn chế.
Ngoài ra, việc sửa đổi Luật lần này cũng cần hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường pháp lý thống nhất và ổn định, các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đang được quy định ở các luật khác nhau cần được quy định thống nhất tại Luật này để bảo đảm tính nhất quán và rõ ràng, thuận lợi trong thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đóng góp ý kiến: “Về phân bổ thuế TNDN đối với người nộp thuế có nhiều đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất nằm trên nhiều địa bàn cấp tỉnh:
Dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi) không có quy định về phân bổ thuế TNDN đối với người nộp thuế có có nhiều đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất nằm trên nhiều địa bàn cấp tỉnh.
Hiện nay, theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 17 Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế:
“c) Phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất:
Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất bằng (=) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của hoạt động sản xuất, kinh doanh nhân (x) với tỷ lệ (%) chi phí của từng cơ sở sản xuất trên tổng chi phí của người nộp thuế (không bao gồm chi phí của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp). Chi phí để xác định tỷ lệ phân bổ là chi phí thực tế phát sinh của kỳ tính thuế.”
Việc xác định thuế TNDN phân bổ cho từng tỉnh như trên còn một số bất cập cụ thể như sau:
Ví dụ: một công ty có nhiều chi nhánh là cơ sở sản xuất ở nhiều tỉnh khác nhau. Mỗi chi nhánh lại hoạt động sản xuất kinh doanh riêng biệt, có theo dõi được doanh thu, chi phí riêng để xác định được lãi, lỗ của từng chi nhánh. Khi quyết toán thuế TNDN, chi nhánh tỉnh A có chi phí rất lớn nhưng hoạt động không hiệu quả, lợi nhuận rất thấp hoặc lỗ lại được phân bổ thuế TNDN cao do chi phí cao; Trong khi chi nhánh tỉnh B có chi phí thấp, hoạt động hiệu quả, lợi nhuận cao nhưng lại được phân bổ thuế rất thấp do phát sinh chi phí thấp.
Xem xét bất cập của ví dụ nêu trên, việc quy định bắt buộc phân bổ thuế TNDN tại từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất theo tỷ lệ chi phí của từng cơ sở sản xuất là chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, tôi có ý kiến đề xuất nên nghiên cứu bổ sung thêm quy định:
“Đối với doanh nghiệp có nhiều đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất nằm trên nhiều địa bàn cấp tỉnh; Trường hợp đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất khác tỉnh có doanh thu, hạch toán riêng được doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế thì thu nhập này sau khi bù trừ số lỗ của các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác (nếu có) phải nộp thuế TNDN tại địa phương của cơ sở sản xuất này”.
Thúy Hằng lược ghi