Khoảng 15 giờ chiều 25/5, người dân và du khách tại bãi sau Vũng Tàu bất ngờ chứng kiến lượng lớn lục bình theo sóng biển dạt vào bờ.
Theo ghi nhận, từng mảng lục bình kéo dài hàng trăm mét, dày đặc dạt vào khu vực bãi tắm trước công viên Vũng Tàu.
Điều này gây lo ngại về vấn đề vệ sinh môi trường và nguy cơ rác thải nhựa mắc kẹt trong lớp lục bình.
Lục bình – hay còn gọi là bèo Nhật Bản – vốn là loài thực vật thủy sinh mọc trôi nổi trên mặt nước thường sinh trưởng ở sông ngòi, kênh rạch nước ngọt.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thủy triều, gió mùa và dòng chảy từ các con sông lớn đổ ra biển, loài thực vật này đã bị cuốn trôi ra biển và dạt vào bờ.
Từng mảng lục bình ken đặc, phủ kín mặt nước và bãi cát, kéo dài hàng trăm mét dọc theo các bãi biển, tuyến đường ven biển Vũng Tàu.
Theo người dân nơi đây, hiện tượng này thường xảy ra vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 hằng năm, song năm nay lượng lục bình trôi dạt xãy ra sớm, nhiều và kéo dài hơn bình thường.
Cùng với lục bình, nhiều rác thải nhựa, cành cây mục và xác sinh vật chết cũng theo dòng nước trôi dạt vào bờ, khiến khu vực trở nên nhếch nhác.
Trước đây vào ngày 15/6/2023, hiện tượng này cũng đã xãy ra với hàng trăm tấn lục bình, đồ nhựa… theo dòng hải lưu tấp vào khu vực Bãi trước Vũng Tàu.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số lượng lục bình lần này vượt xa mức bình thường, cho thấy sự mất cân bằng trong hệ sinh thái nước ngọt – biển ven bờ.
Việc lục bình dạt với số lượng lớn khiến một số khu vực bãi tắm bị ảnh hưởng, du khách e ngại khi xuống tắm biển do cảm giác không sạch sẽ.
Ngành chức năng cũng cần theo dõi diễn tiến dòng chảy để có kế hoạch xử lý phù hợp, đảm bảo mỹ quan và an toàn cho du khách, nhất là trong mùa cao điểm Hè sắp tới.
Trước thực trạng trên, các lực lượng vệ sinh môi trường biển cần được huy động, triển khai sớm để thu gom, dọn dẹp lục bình nhằm giảm thiểu ô nhiễm, mất mỹ quan môi trường, đồng thời trả lại không gian sạch đẹp cho công viên bãi biển vừa được đưa vào sử dụng thời gian gần đây.
Lê Hoàng