Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo rất quyết liệt, ban hành và tổ chức thực hiện đồng thời hai kế hoạch lớn, có ý nghĩa đặc biệt là: Kế hoạch hành động chiến lược (Kế hoạch số 01) và Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW; đã đưa vào vận hành Hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện Nghị quyết 57 và Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tạo sự liên kết giữa các hệ thống và bước đầu hình thành nền tảng quản trị dựa trên dữ liệu thời gian thực.
Về mặt thể chế, ngay sau khi có Nghị quyết 57, Quốc hội đã ban hành 2 đạo luật hết sức quan trọng, có tính chất nền tảng để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số. Không chỉ là chủ động, kịp thời trong thể chế hóa chủ trương của Đảng, việc Quốc hội thông qua 2 đạo luật với tiến độ hết sức khẩn trương và bảo đảm chất lượng cao với tư duy mới và nhiều cơ chế chính sách vượt trội đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của cơ quan lập pháp về kiến tạo thể chế, lấy “thể chế là đột phá của đột phá”, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành 16 nghị định và 1 nghị quyết, tập trung cải cách thủ tục hành chính, phân cấp - phân quyền phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp. Danh mục công nghệ chiến lược cũng đã được ban hành, xác định 11 nhóm công nghệ có vai trò then chốt trong quá trình phát triển nhanh, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với 858 doanh nghiệp khoa học - công nghệ, 45 doanh nghiệp công nghệ cao và trên 73.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Bộ Khoa học và Công nghệ đã thu hút, tập hợp 277 chuyên gia tham gia các chương trình trọng điểm về trí tuệ nhân tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực chiến lược. Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, việc thực hiện Nghị quyết 57 đã thu hút sự đồng hành, tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ trong nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt.
Những con số, những kết quả, những tín hiệu vô cùng tích cực trên đây cho thấy, Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ là “việc của Nhà nước” mà đã thực sự lan tỏa ra xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, tạo thành một phong trào xã hội rộng lớn, tạo thêm nguồn lực và động lực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.
Dù thế, để thực hiện đầy đủ tinh thần cách mạng của Nghị quyết 57 vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đánh giá tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho thấy, thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn chưa đồng bộ; hạ tầng số và dữ liệu quốc gia còn phân tán; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, nhất là trong các ngành công nghệ mũi nhọn…
Do đó, Quốc hội với vai trò là “kiến trúc sư thể chế” phải tiếp tục tiên phong trong việc hoàn thiện thể chế. Trước mắt là giám sát chặt chẽ việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và công tác tổ chức thi hành các luật đã được thông qua, đặc biệt là Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số để các cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này phải khẩn trương được ban hành, bảo đảm thực thi luật mới theo tinh thần mở, khuyến khích sáng tạo và kiểm soát rủi ro hợp lý. Các cơ chế quan trọng như chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học hay cơ chế tài chính đặc thù cho các dự án công nghệ chiến lược cần được tiếp tục cụ thể hóa trong các văn bản quy định chi tiết.
Các cơ quan của Quốc hội cũng cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực thi pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… từ đó nhanh chóng tháo gỡ triệt để những điểm nghẽn, rào cản, giải phóng mọi nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực...
Những thành công rất quan trọng bước đầu trong thực hiện Nghị quyết 57 đã cho thấy tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Nghị quyết này. Nhưng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng là những lĩnh vực liên tục thay đổi, liên tục phát triển, đòi hỏi thể chế cũng phải liên tục được cập nhật, phát triển với tinh thần dám thay đổi, dám đột phá, dám vượt lên những giới hạn cũ. Trong tiến trình đó, vai trò lập pháp và giám sát của Quốc hội cần phải được phát huy mạnh mẽ như một lực kéo dẫn dắt cải cách sâu rộng và bền vững.
Nguyễn Bình