Túc trực trong xưởng may từ sáng đến chiều, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngọc, Trưởng cơ sở cai nghiện số 1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa luôn sát sao với công tác quản lý, chữa bệnh và giáo dục, dạy nghề cho học viên. Anh chia sẻ: “Để quản lý, giáo dục, chữa bệnh cho những người từng sử dụng ma túy, không cách nào hiệu quả hơn là sự quan tâm, chia sẻ. Đối với các học viên vừa qua giai đoạn điều trị cắt cơn, tâm lý bất ổn, dễ bị kích động thì cán bộ, chiến sĩ của Cơ sở cai nghiện số 1 càng phải theo sát, hỗ trợ, động viên tinh thần để họ không bỏ cuộc, quyết tâm từ bỏ ma túy”.
Với những trinh sát từng nhiều năm thâm nhập các đường dây tội phạm ma túy, việc nắm bắt tâm lý, quản lý người cai nghiện ma túy là công việc khá phù hợp. Từ khi tiếp quản nhiệm vụ này, họ đã góp phần làm chuyển biến về nền nếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở cai nghiện.
Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội tổ chức cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân.
Theo đánh giá của đồng chí Trần Văn Đức, nguyên Phó giám đốc Cơ sở cai nghiện số 1: “Từ khi lực lượng công an tiếp quản nguyên trạng cơ sở này, tình hình an ninh trật tự được duy trì nghiêm, không còn tình trạng gây gổ, xô xát giữa các học viên”.
Để làm được điều này, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa thường xuyên thay đổi phương thức tuần tra, canh gác, kết hợp giữa quản lý với vận động. Dùng sự sẻ chia, quan tâm, động viên để cảm hóa những học viên có khuynh hướng gây rối, vượt rào, bất hợp tác trong quá trình cai nghiện.
Ngoài nhiệm vụ quản lý các cơ sở cai nghiện trên cả nước, lực lượng công an đã và đang gấp rút triển khai công tác sát hạch lái xe, cấp, đổi giấy phép lái xe. Công an các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, phần mềm; tổ chức cho lực lượng làm nhiệm vụ tập huấn nghiệp vụ, thi chứng chỉ sát hạch viên... Nhiều đơn vị đã đổi mới cách làm, nâng cao hiệu quả công tác sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe. Tại Hà Nội, công an các phường, xã tới tận nhà hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hỗ trợ nâng cấp tài khoản định danh lên mức 4 để nộp hồ sơ trực tuyến, mở các điểm nhận hồ sơ, hỗ trợ người dân tại trung tâm phục vụ hành chính công... Công an các đơn vị còn tiến hành khảo sát ý kiến của những người đến làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe. Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá cao thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp, tận tình của cán bộ, chiến sĩ. Thời gian từ khi nộp hồ sơ, chụp ảnh đến nhận giấy hẹn chỉ trong khoảng 5-10 phút.
Tại Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) còn xây dựng kế hoạch, tham mưu với Công an tỉnh mở 9 điểm cấp, đổi giấy phép lái xe tại các xã vùng sâu, vùng xa để giúp bà con tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Với tinh thần phục vụ nhân dân là ưu tiên hàng đầu, cán bộ, chiến sĩ công an các đơn vị sẵn sàng làm việc thêm giờ để đáp ứng nhu cầu cấp, đổi giấy phép lái xe, không để ngắt quãng, gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp.
Trung tá Nguyễn Thị Hải, Phó đội trưởng Đội Sát hạch và cấp, đổi giấy phép lái xe, Phòng CSGT, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Đối với người dân ở xa, hoặc giấy phép cận ngày hết hạn, chúng tôi vẫn phục vụ kể cả khi đã hết giờ hành chính. Ngoài ra, anh em trong đội còn làm thông trưa các ngày trong tuần và làm thêm ngày thứ bảy”.
Đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, công an các địa phương đã tập trung nguồn lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ công dân. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều biện pháp cải cách hành chính, số hóa dữ liệu, hồ sơ; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ hành chính công, ứng dụng VNeID và hệ thống bưu điện để giảm tải cho bộ phận tiếp nhận trực tiếp.
Thượng tá Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội, cho biết: “Lực lượng cấp lý lịch tư pháp thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài. Yêu cầu về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp rất quan trọng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ mới, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tích cực tự học, tự rèn, nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội tổ chức đào tạo, trang bị cho lực lượng này những kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”.
Trung tá Nguyễn Lê Phương, cán bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội, chia sẻ: “Sau giờ làm việc, chúng tôi tự tra cứu tài liệu, tự học ngoại ngữ để có khả năng giao tiếp cơ bản. Ngoài việc hỗ trợ, giúp người dân đến làm thủ tục thuận lợi, nhanh chóng, các tổ công tác luôn chú trọng về lễ tân, duy trì tốt lễ tiết, tác phong, để lại hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân”.
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức cấp, đổi giấy phép lái xe cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa.
Tìm hiểu thực tế tại điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp (số 13 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), chúng tôi hỏi chuyện ông Trần Hàng là người Quảng Tây (Trung Quốc) sau khi ông nộp hồ sơ đề nghị cấp lý lịch tư pháp để làm việc tại Việt Nam. Ông Trần Hàng kể: “Tôi đến nộp hồ sơ tại đây và đã được hỗ trợ tối đa về thủ tục pháp lý, hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng. Đặc biệt, các chiến sĩ công an Việt Nam có trình độ ngoại ngữ tốt, thái độ nhiệt tình, thân thiện”.
Với phương châm tiếp nhận các nhiệm vụ mới bảo đảm nhanh gọn, không làm gián đoạn hoạt động bình thường, công an các tỉnh, thành phố đã triển khai hiệu quả những mặt công tác vừa tiếp nhận. Người dân đi làm các thủ tục hành chính được phục vụ tốt hơn, không bị xáo trộn hay vướng mắc về mặt pháp lý. Lực lượng CSGT vừa giám sát, xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, vừa là những sát hạch viên làm nhiệm vụ khảo thí trong quy trình cấp giấy phép lái xe. Với sự am hiểu về pháp luật cùng kinh nghiệm thực tế, tin rằng công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe sẽ có chuyển biến về chất. Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy vừa đánh án, vừa làm nhiệm vụ quản lý các cơ sở cai nghiện cũng có nhiều kinh nghiệm, khả năng nắm bắt tâm lý của người sử dụng ma túy, sẽ thuận lợi trong quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp người nghiện đoạn tuyệt với ma túy, làm lại cuộc đời.
Còn tại các sân bay, lực lượng công an không chỉ quản lý chặt chẽ về công tác xuất nhập cảnh, từ ngày 1-3-2025, công an các đơn vị, địa phương đã tiếp quản nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh hàng không. Với thế mạnh về lực lượng, phương tiện, lực lượng công an sẽ bảo đảm an toàn cho người dân trong suốt thời gian trước, trong và sau mỗi chuyến bay.
Bài và ảnh: TUẤN NAM