Lực lượng quần chúng đặc biệt

Lực lượng quần chúng đặc biệt
7 giờ trướcBài gốc
Bài 2
“TRẺ HÓA” LỰC LƯỢNG
BPO - Từ trước đến nay, phần lớn người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là những người trung niên, cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều hơn những người trẻ tích cực cống hiến công sức, trí tuệ cho cộng đồng được bà con tín nhiệm là người có uy tín. Cùng với những “cây cao bóng cả” trong đồng bào DTTS, đội ngũ người có uy tín trẻ đã và đang phát huy vai trò của mình trong các phong trào ở cơ sở.
Người có uy tín 4.0
Thôn Bù Ka, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập có 156 hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc S’tiêng. Trong đó, anh Điểu Thâu (SN 1988) được tín nhiệm là người có uy tín, trưởng thôn từ năm 2022. Trước đó, từ những năm 2006, anh Thâu đã tham gia và trải qua nhiều nhiệm vụ, từ dân quân, mặt trận, bí thư chi đoàn thôn, thôn đội trưởng... Được nhân dân bầu làm trưởng thôn, người có uy tín năm 34 tuổi, anh Thâu nhanh nhạy nắm bắt các xu thế của xã hội hiện đại. Anh dễ dàng tiếp cận công nghệ số, tìm hiểu, khai thác thông tin trên internet cũng như sử dụng thành thạo các ứng dụng Zalo, Facebook, Gmail... Nhờ đó, mỗi khi có thông tin cần thông báo cho người dân, anh soạn ngắn gọn các nội dung, sau đó gửi lên hội, nhóm Zalo trong thôn. Cách làm này mang lại hiệu quả, thông tin được lan tỏa nhanh chóng, chính xác đến người dân. Anh Thâu cho biết: Là Trưởng thôn, người có uy tín trẻ tuổi, tôi xác định phải biết phát huy những điều tích cực để phục vụ nhân dân. Trong thực hiện nhiệm vụ, tôi lắng nghe kinh nghiệm từ những “cây cao bóng cả”, phối hợp với các lực lượng mặt trận, công an... để phục vụ người dân tốt hơn.
Với lợi thế là người có uy tín trẻ, thông qua các ứng dụng Zalo, Facebook, anh Điểu Thâu sử dụng điện thoại thông minh để phổ biến thông tin đến người dân
Trên địa bàn thôn có già làng Điểu Hưng, vì thế anh Thâu thường xuyên đến nghe và trao đổi những điều hay, lẽ phải, đồng thời có giải pháp để nâng cao đời sống người dân. Già làng Điểu Hưng cho biết: Điểu Thâu là người trẻ, có sức khỏe và nhanh nhẹn lắm, nhưng kinh nghiệm sống chưa nhiều. Già làng thì biết nhiều nhưng sức khỏe lại yếu, không thường xuyên đi tới lui được. Thành ra già làng hay gọi Điểu Thâu tới nhà, chúng tôi bàn bạc, kết hợp với nhau để được việc chung cho xã hội.
Anh Điểu Thâu (bìa phải) cùng lực lượng công an, mặt trận gặp gỡ, trao đổi với người dân sinh sống trên địa bàn
Người trẻ khẳng định niềm tin
Tại các vùng đồng bào DTTS, việc chuyển đổi và tìm ra mô hình kinh tế ổn định để thay đổi đời sống người dân là vô cùng cần thiết. Là tổ trưởng tổ vay vốn, anh Điểu Bình, người có uy tín, Trưởng thôn 3 Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đã hỗ trợ người dân tiếp cận được nhiều nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đồng thời, lên mạng xã hội tìm hiểu các mô hình kinh tế phù hợp và giới thiệu đến người dân.
Là tổ trưởng tổ vay vốn, anh Ðiểu Bình đã kết nối để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập
Anh Nguyễn Văn Còn cùng vợ là chị Thị Hum đã nhiều lần được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập. Từ nguồn vốn được vay năm 2022, anh Còn tìm hiểu và mạnh dạn kết hợp trồng xen ổi ruby đỏ không hạt, dừa, sầu riêng để thay đổi mô hình kinh tế. Trong khi chờ sầu riêng và dừa lớn thì gần 300 cây ổi đã cho thu hoạch, mô hình “lấy ngắn nuôi dài” giúp gia đình anh có thu nhập bước đầu. Anh Còn chia sẻ: Anh Điểu Bình đã hỗ trợ gia đình rất nhiệt tình, được vay vốn nhiều lần. Ngoài ra, anh Điểu Bình còn tìm hiểu và gửi cho tôi tham khảo kỹ thuật chăm sóc cây trồng, giúp gia đình có thêm kinh nghiệm trong phát triển kinh tế.
Sinh năm 1985, nhưng có 10 năm làm trưởng thôn, 4 năm là người có uy tín, cho thấy uy tín của anh Điểu Bình đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân trong thôn. Anh Điểu Bình chia sẻ: Cùng lớn lên, cùng trưởng thành với người dân trong thôn nên tôi hiểu những khó khăn, vất vả của họ. Vì vậy, bước đầu khi tham gia công tác xã hội, tôi đã hứa sẽ làm hết khả năng của mình để người dân có cuộc sống tốt hơn. Tôi tập trung phát triển kinh tế gia đình ổn định, sau đó tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con tin và làm theo.
Anh Điểu Bình tham quan mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Còn
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, trong đó có vai trò của anh Điểu Bình, hiện nay đời sống người dân thôn 3 Khắc Khoan đã tốt hơn trước. Ngoài trồng cao su, điều, người dân còn canh tác lúa nước, đi làm tại các công ty, xí nghiệp. Toàn thôn có 66 hộ dân, không còn hộ nghèo và cận nghèo.
Trong một thời gian dài, dường như có sự mặc định ngầm, người có uy tín phải là những người cao niên, với độ tuổi từ 60 trở lên. Nhưng những năm gần đây, lực lượng đặc biệt này đang dần được trẻ hóa. Cùng với những “cây cao bóng cả” trong đồng bào DTTS, đội ngũ người có uy tín trẻ đã và đang phát huy được vai trò của mình trong các phong trào ở cơ sở. Ðối với tỉnh Bình Phước, trong 345 người có uy tín thì đội ngũ người trẻ chiếm khá đông.
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Lương Nhân cho biết: Trong bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ số..., người có uy tín trẻ tuổi đã và đang góp sức của mình vào sự phát triển toàn diện của vùng đồng bào DTTS. Họ đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao cuộc sống.
Thanh Nga
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/163976/luc-luong-quan-chung-dac-biet