Tuy thay đổi về mô hình tổ chức nhưng lực lượng quản lý thị trường vẫn giữ vững vai trò chủ công trong kiểm tra, giám sát thị trường, hạn chế tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Gian lận thương mại có xu hướng gia tăng
Lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra hàng hóa dịp sau Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Phúc Long
Nhận định về công tác quản lý thị trường năm 2025, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, nền kinh tế mở cùng với tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn trong giám sát, quản lý thị trường. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi hơn.
Cùng chung nhận định, theo Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, năm 2025 hoạt động buôn lậu, đặc biệt là thuốc lá điếu, rượu, đồ điện tử, gia dụng… dự báo vẫn diễn biến phức tạp, với mức độ và quy mô khó lường. Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục gia tăng do lợi nhuận lớn. Đặc biệt, việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi vi phạm đang có xu hướng gia tăng, với các thủ đoạn ngày càng khó nắm bắt. "Cùng với đó, đối tượng vi phạm sử dụng thiết bị công nghệ cao để đối phó với cơ quan chức năng, đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng phải quản lý chặt địa bàn, nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống gian lận thương mại", ông Chu Xuân Kiên nói.
Trước thực tế này, lực lượng quản lý thị trường nhận thức rõ việc cải tiến quy trình kiểm tra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý sẽ là yếu tố then chốt để duy trì sự ổn định trên thị trường trong năm 2025. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung, ưu tiên nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử; nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền, lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Trần Hữu Linh nói.
Minh chứng rõ nhất trong đầu năm 2025, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ như bánh, kẹo, xăng, dầu, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm; các loại hàng cấm như pháo nổ, đồ chơi nguy hiểm... Kết quả thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 9.902 trường hợp; phát hiện, xử lý 8.560 vụ vi phạm; chuyển cơ quan công an điều tra 59 vụ có dấu hiệu hình sự; tổng số tiền xử lý 212 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm, lực lượng đã kiểm tra, xử lý 1.606 vụ, phạt vi phạm hành chính 13,5 tỷ đồng.
Chủ động bảo vệ người tiêu dùng
Thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Công Thương dự kiến sẽ kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường, thành lập Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước. Cùng với đó, cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố sẽ được chuyển giao về UBND các tỉnh, thành phố. Theo Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Minh Phương, mặc dù thay đổi mô hình tổ chức nhưng quản lý thị trường vẫn vận hành theo Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016 với nhiệm vụ không thay đổi. Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục giữ vai trò chủ công trong kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Hiện tại, Tổng cục Quản lý thị trường và các cục quản lý thị trường địa phương đang rà soát, đề xuất quy định, cơ chế, chính sách phù hợp với mô hình bộ máy mới, nhằm bảo đảm hoạt động tốt hơn, đồng thời không để ngắt quãng công việc, bỏ trống địa bàn hay lơ là trong thực thi công vụ. Đặc biệt, trong bối cảnh quản lý thị trường ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp, toàn lực lượng tiếp tục chủ động tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, sau khi chuyển đổi mô hình, dù không trực tiếp quản lý về con người, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ là đơn vị chỉ đạo, kiểm tra, định hướng chuyên môn nghiệp vụ cho các cục quản lý thị trường. Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS); giữ nguyên hệ thống quản lý tài liệu điện tử (edms), email để trao đổi thông tin trong nội bộ. Việc chuyển ngạch kiểm soát viên thị trường, cấp thẻ kiểm tra thị trường, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, tập huấn, đào tạo vẫn tiếp tục được triển khai.
Lam Giang