'Lực lượng thanh tra chúng tôi đi đến đâu là hàng hóa họ giấu hết'

'Lực lượng thanh tra chúng tôi đi đến đâu là hàng hóa họ giấu hết'
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 22/5, thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM) cho rằng việc sửa đổi luật diễn ra khá sớm, trong khi Luật Thanh tra vừa được Quốc hội khóa XV thông qua. Bà nhận định, nội dung dự thảo vẫn còn rất quen thuộc, chưa có nhiều điểm khác biệt so với luật hiện hành, chủ yếu tập trung vào việc xây dựng mô hình thanh tra 2 cấp.
Tuy nhiên, từ đó cũng đặt ra những mối lo ngại liên quan đến hoạt động thanh tra chuyên ngành. Bởi lẽ, hai cấp thanh tra được quy định trong dự thảo chủ yếu là cấp Chính phủ và cấp tỉnh/thành phố, tức các cấp cao, trong khi lực lượng thanh tra ở quận, huyện hiện nay hầu như chưa có tổ chức chuyên ngành riêng. Thực tế, hoạt động thanh tra tại cơ sở vẫn chủ yếu dựa vào lực lượng liên ngành.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: P.Đ.
Tuy vậy, bà cũng bày tỏ phần nào yên tâm khi thấy dự thảo luật lần này đã có những quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, nêu rõ trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan trong việc tổ chức và triển khai hoạt động kiểm tra này. Bên cạnh đó, các sở chuyên ngành cũng được yêu cầu phải bảo đảm thực hiện tốt chức năng kiểm tra chuyên ngành.
Thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ lo ngại việc luật vẫn còn nhiều quy định "trói tay, trói chân" lực lượng thanh tra, làm hạn chế hiệu quả thực thi trên thực tế.
Bà Lan cho rằng, nếu so sánh với một số quốc gia, có thể thấy lực lượng thanh tra ở nước ngoài thường được trao quyền rất lớn. Dĩ nhiên, quyền lực lớn cũng tiềm ẩn nguy cơ lạm quyền, nhưng đó là hai vấn đề cần xử lý tách biệt.
“Tại sao chúng ta không có những quy định thoáng hơn để có thể thanh tra đột xuất nhiều hơn?”, đại biểu đặt vấn đề. Theo bà, thanh tra theo kế hoạch hiện nay gần như không đạt hiệu quả cao, do danh sách thanh tra phải công khai từ đầu năm, được cấp trên phê duyệt, và trước khi thực hiện, lại phải thông báo trước để đơn vị được thanh tra chuẩn bị.
"Lực lượng thanh tra chúng tôi đi đến đâu là hàng hóa họ giấu hết, các nhà thuốc đều nói không bán thực phẩm chức năng, rất khó bắt quả tang khi thanh tra mà rầm rộ thông tin", bà Lan nói.
Trong khi đó, hoạt động thanh tra đột xuất hiện nay lại vướng nhiều thủ tục, sau khi thanh tra còn phải giải trình lý do với cấp trên. “Như vậy là hạn chế rất lớn, khiến thanh tra không thể linh hoạt, kịp thời”, bà nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu thêm một khó khăn trong thực thi thanh tra chuyên ngành hiện nay: sau khi bị lập biên bản và xử phạt hành chính, không ít doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm đã né tránh trách nhiệm bằng cách bỏ cơ sở cũ và mở lại cơ sở mới. “Hiện chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi này,” bà cảnh báo.
Luật sửa đổi lần này được đặt trên cơ sở cho rằng thanh tra hiện hành chưa hiệu quả. Vậy với những quy định như hiện tại, liệu có đảm bảo thanh tra sau sửa đổi sẽ hiệu quả hơn không? Đại biểu đặt câu hỏi. Với các vấn đề kỹ thuật văn bản, bà cho biết thống nhất với ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước đó.
Quỳnh An
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/luc-luong-thanh-tra-chung-toi-di-den-dau-la-hang-hoa-ho-giau-het-post185811.html