Lực lượng từng khiến Iran 'đau đầu' đứng sau vụ nổ loạt thiết bị của Hezbollah?

Lực lượng từng khiến Iran 'đau đầu' đứng sau vụ nổ loạt thiết bị của Hezbollah?
5 giờ trướcBài gốc
Đơn vị tình báo 8200 của Israel chỉ tuyển dụng các tài năng trẻ từ 18 - 21. Ảnh minh họa.
Hãy cùng tìm hiểu những điều bí ẩn xoay quanh đơn vị này.
Chỉ tuyển dụng tài năng trẻ tuổi
Đơn vị 8200 là lực lượng chủ chốt thuộc quân đội Israel, chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo tín hiệu (SIGINT) và thực hiện các chiến dịch an ninh mạng. Đơn vị này hoạt động tách biệt so với Cơ quan tình báo Mossad của Israel.
Điều làm nên sự đặc biệt của đơn vị là cơ cấu tuyển dụng. Đơn vị 8200 chỉ tuyển dụng những tài năng trẻ tuổi, những người trong độ tuổi từ 18 đến 21.
Những cá nhân được tuyển dụng vào đơn vị thường là đặc biệt xuất sắc về tư duy công nghệ và toán học, được huấn luyện chuyên sâu để giải quyết các vấn đề phức tạp về bảo mật, mã hóa và tấn công mạng.
Những quân nhân trẻ tuổi này được coi là những bộ óc ưu việt, giúp đơn vị 8200 nổi tiếng với văn hóa làm việc độc đáo, nhấn mạnh vào sự sáng tạo trong cách giải quyết các vấn đề mới mẻ.
Nhiều cựu thành viên của 8200 sau khi rời quân ngũ đã trở thành những doanh nhân công nghệ hàng đầu, sáng lập các công ty chuyên về an ninh và bảo mật như Orca Security hay Glilot Capital Partners. Thành tựu của Đơn vị 8200 phần nào đưa Israel trở thành một trung tâm phát triển công nghệ cao của thế giới.
Vai trò trong loạt vụ nổ thiết bị liên lạc của Hezbollah?
Loạt vụ nổ bộ đàm của lực lượng Hezbollah hôm 18/9 đã khiến ít nhất 20 người chết và 450 người khác bị thương.
Gần đây, Đơn vị 8200 bị nghi ngờ có liên quan đến một chiến dịch tinh vi nhắm vào Hezbollah, tổ chức vũ trang có ảnh hưởng sâu rộng ở Lebanon. Reuters dẫn nguồn tin an ninh phương Tây cho biết, Đơn vị 8200 này đã tham gia vào việc lập kế hoạch cho loạt vụ nổ 3.000 máy nhắn tin và có thể là cả bộ đàm của Hezbollah.
Theo nhà chức trách Lebanon, 3.000 máy nhắn tin phát nổ vào chiều ngày 17/9 đã khiến ít nhất 12 người chết và 2,750 người bị thương. Một ngày sau, hàng trăm bộ đàm của Hezbollah cũng phát nổ khiến ít nhất 20 người chết và 450 người bị thương.
Theo Reuters, các cuộc tấn công trên là kết quả của hơn một năm chuẩn bị. Đơn vị 8200 được cho là đã phát triển kỹ thuật cài đặt chất nổ vào quá trình sản xuất máy nhắn tin và bộ đàm mà Hezbollah đặt mua.
Đây là một trong những chiến dịch tình báo táo bạo nhất, khiến Hezbollah mất kiểm soát các hoạt động liên lạc quan trọng, cũng như gây hỗn loạn bên trong nội bộ tổ chức.
Mặc dù phía Israel không công khai thừa nhận vai trò của Đơn vị 8200, nhưng nhiều nguồn tin phương Tây cho rằng, đơn vị này đã phối hợp với Mossad trong quá trình triển khai chiến dịch.
Chiến dịch nổi tiếng nhất của Đơn vị 8200
Một trong những chiến dịch gây tiếng vang lớn nhất của Đơn vị 8200 là vụ cài virus Stuxnet vào cơ sở hạt nhân của Iran năm 2010.
Stuxnet là một loại virus máy tính phức tạp, được thiết kế để tấn công các hệ thống điều khiển công nghiệp, nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran. Virus này đã phá hủy nhiều máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz, làm gián đoạn quá trình làm giàu uranium của Iran trong nhiều năm.
Khói bốc lên bên ngoài một cửa hàng điện thoại ở Lebanon hôm 18/9. Ảnh: Reuters.
Nhiều chuyên gia tin rằng, Đơn vị 8200 đã hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) để phát triển và triển khai virus Stuxnet.Iran có các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt để cách ly hạ tầng hạt nhân khỏi mạng internet toàn cầu. Để vượt qua điều này, Israel cần phải trực tiếp đưa virus vào cơ sở hạt nhân Iran, có thể là do nhân viên của cơ sở hoặc đặc vụ Israel mang vào dưới dạng USB bị nhiễm virus.
Khi Stuxnet xâm nhập thành công vào hệ thống, nó hoạt động một cách kín đáo, không để lại dấu vết. Virus này chỉ kích hoạt khi phát hiện hệ thống điều khiển của Siemens và các máy ly tâm đang vận hành trong những điều kiện rất cụ thể. Điều này cho thấy sự hiểu biết sâu rộng của Israel nói chung và Đơn vị 8200 nói riêng đối với hạ tầng của cơ sở hạt nhân Natanz.
Stuxnet được lập trình để can thiệp vào quá trình quay của các máy ly tâm, khiến chúng quay nhanh hơn hoặc chậm hơn so với tốc độ an toàn. Điều này dẫn đến sự hư hại hoặc phá hủy các máy ly tâm mà không để lộ dấu hiệu rõ ràng về sự cố. Điều này làm gián đoạn quá trình làm giàu uranium, từ đó làm chậm chương trình hạt nhân của Iran. Một điểm đặc biệt của Stuxnet là khả năng che giấu các hoạt động bất thường. Virus này gửi thông tin giả mạo về trạng thái hoạt động bình thường đến các hệ thống giám sát, khiến các kỹ sư và nhà khoa học tại cơ sở Natanz không nhận ra vấn đề cho đến khi máy ly tâm đã bị hỏng hoàn toàn.
Iran chỉ phát hiện virus Stuxnet lây lan trong các máy tính tại cơ sở hạt nhân Natanz vào tháng 6/2010, sau khi 1/5 số máy ly tâm hạt nhân đã bị virus này phá hoại. Không quốc gia nào nhận trách nhiệm về vụ phá hoại nhưng Iran nghi ngờ Israel đứng sau.
Có thể nói, Israel không chỉ dựa vào Cơ quan tình báo Mossad trong các hoạt động phá hoại bí mật mà còn có các đơn vị tác chiến mạng, chuyên về phát triển công nghệ cao như Đơn vị 8200. Điều này có thể gây khó khăn cho Iran và các lực lượng trong "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn như Hezbollah.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/luc-luong-tung-pha-chuong-trinh-hat-nhan-iran-dung-sau-vu-no-loat-thiet-bi-cua-hezbollah-204242009100011464.htm