Tại Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông giai đoạn 2020-2024, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các trường đại học không công bố kết quả xét tuyển sớm trước ngày 31/5 – thời điểm kết thúc năm học. [1]
Đề xuất trên xuất phát từ tác động của việc công bố kết quả xét tuyển sớm đối với động lực học tập của học sinh và chất lượng giáo dục của các trường trung học phổ thông.
Đảm bảo mục tiêu phấn đấu học tập của học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đinh Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, mục tiêu phấn đấu học tập của phần lớn học sinh hiện nay là có thể đỗ vào một trong các trường đại học theo nguyện vọng của bản thân, còn việc thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông với các em không quan tâm nhiều.
“Do vậy, khi các trường đại học công bố kết quả xét tuyển sớm trước ngày 31/5, nhiều học sinh đã hoàn thành được mục tiêu, không còn động lực phấn đấu để thi tốt nghiệp trung học phổ thông với kết quả cao. Điều đó làm học sinh cũng không còn tập trung học, dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp chưa đánh giá được đúng năng lực thật sự của học sinh, của nhà trường”, thầy Tuấn nói thêm.
Thạc sĩ Đinh Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Liêu. (Ảnh: website nhà trường)
Bên cạnh đó, khi thí sinh tham gia quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy còn phát sinh thêm một số nội dung, kiến thức, môn học phải ôn tập cũng gây thêm áp lực cho người học. Các em phải dành thêm thời gian để ôn luyện phục vụ cho các kỳ thi này thay vì chỉ tập trung vào chương trình giáo dục phổ thông.
Khi học sinh không còn đủ sự tập trung, nghiêm túc cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, không chỉ làm giảm chất lượng học tập và thi cử của mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của nhà trường trong giai đoạn quan trọng này.
Trong khi đó, thầy Phạm Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Trường (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) cho biết: “Thực tế đã có hiện tượng nhiều học sinh sau khi chắc chắn đỗ xét tuyển sớm thì bắt đầu chểnh mảng trong việc học tập. Điều này gây ảnh hưởng đến kế hoạch ôn tập, mục tiêu giảng dạy và chất lượng học tập chung của nhà trường. Mặt khác, điều này còn tác động xấu đến tâm lý của các bạn học sinh chưa đỗ xét tuyển sớm.
Mục tiêu của chương trình giáo dục là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh, các em phải có trách nhiệm học tập một cách đầy đủ, không phải học chỉ để đi thi. Việc học sinh đỗ xét tuyển sớm rồi không chú tâm học tập sẽ đi lệch mục tiêu giáo dục của nhà trường
Vì vậy, trước đó nhà trường cũng từng có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm để đảm bảo duy trì công tác dạy và học một cách ổn định, không làm ảnh hưởng đến mục tiêu và chất lượng của chương trình giáo dục”.
Thầy Phạm Văn Châu - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Trường (Ảnh: website nhà trường)
Việc Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các trường đại học không công bố kết quả xét tuyển sớm trước thời điểm kết thúc năm học (31/5) là hoàn toàn phù hợp.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Liêu chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo tôi, đây cũng là sự tiếp thu các ý kiến đề xuất, phản ánh từ các sở giáo dục và đào tạo, các trường trung học phổ thông về những bất cập khi các trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước ngày 31/5”.
Việc lùi thời gian công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm so với hiện nay sẽ giúp học sinh duy trì được động lực học tập trong suốt năm học và tập trung vào việc ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà không bị phân tâm bởi điểm chuẩn xét tuyển sớm. Các thí sinh và gia đình sẽ có thêm thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng, thay vì phải đưa ra quyết định vội vàng.
Điều chỉnh kế hoạch dạy và học phù hợp, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp
Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là một chương trình giáo dục mang tính đổi mới, nhằm phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập và định hướng nghề nghiệp phù hợp với từng em.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 có nhiều sự thay đổi so với các năm trước, từ số lượng môn thi, cấu trúc đề thi đến nội dung bài thi. Những thay đổi này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải có sự điều chỉnh phù hợp trong kế hoạch giảng dạy và tổ chức ôn tập cho học sinh.
Thầy Đinh Quốc Tuấn cho biết: “Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường cũng đang tập trung vào giáo dục hướng tới việc phát triển các phẩm chất cần đạt, phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh của mỗi học sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của bản thân và điều kiện của gia đình các em.
Đồng thời, nhà trường hướng dẫn học sinh khối 12 ôn tập, hệ thống, củng cố kiến thức theo định hướng tổ hợp môn thi mà các em lựa chọn và cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025”.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ tâm lý và hướng nghiệp cho học sinh là rất cần thiết trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025.
“Các trường cần tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và hướng nghiệp trước kỳ thi giúp học sinh giảm bớt áp lực, cũng như có định hướng rõ ràng cho kỳ thi. Điều này giúp các em tự tin hơn và có kế hoạch học tập hiệu quả.
Tại Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế, trong quá trình tổ chức hướng nghiệp, chúng tôi luôn tư vấn cho các em hướng đi phù hợp nhất với sở thích, khả năng, điều kiện kinh tế của từng gia đình. Cá nhân học sinh nào có khó khăn, vướng mắc gì nhà trường cùng chung tay hỗ trợ để góp phần giúp các em thực hiện được mục tiêu đề ra.
Ở Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế cũng như các trường khác thường có 3 nhóm học sinh: những em có nguyện vọng đi du học, những em muốn theo học các trường đại học tại Việt Nam và các em có kế hoạch khác (không theo học đại học). Mỗi nhóm học sinh đều có mục tiêu riêng nên ngay từ lớp 10, nhà trường đã tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp giúp các em xây dựng kế hoạch phù hợp với định hướng của bản thân”.
Đồng thời, thầy Thư đề xuất thêm: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 18 đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, theo tôi đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các trường trung học phổ thông, các nhà trường cần bám sát hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp”.
Tiến sĩ Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (Hà Nội). (Ảnh: website nhà trường)
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Liêu đánh giá, sự đổi mới về cấu trúc đề thi, nội dung thi là rất cần thiết, hướng tới đánh giá đúng năng lực thực chất của mỗi thí sinh, tuy nhiên việc đổi mới trong việc ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 và những năm tiếp theo cần được thực hiện theo từng bước.
Theo đó, học sinh sẽ tham gia thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn còn lại do học sinh tự lựa chọn. Sự thay đổi đáng chú ý là việc chọn lựa 2 môn thi từ 9 môn học, tạo ra tổng cộng 36 cách lựa chọn môn thi khác nhau thay vì 4 tổ hợp như trước đây. Điều này giúp học sinh có thể linh hoạt tổ hợp thi của mình theo thế mạnh và sở thích cá nhân, đồng thời phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Do đó, việc xác định các môn thi từ sớm sẽ giúp nhà trường xây dựng được kế hoạch dạy học và ôn tập phù hợp, học sinh được học tập theo đúng chương trình và yêu cầu của kỳ thi, từ đó giảm bớt áp lực cho các em trong giai đoạn ôn luyện.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế. (Ảnh: website nhà trường)
Trong khi đó, thầy Phạm Văn Châu chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động hướng dẫn học sinh khối 12 xác định các môn thi tốt nghiệp và xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể.
Song song với đó, việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường cũng được thực hiện theo kế hoạch. Học sinh chỉ học thêm các môn đã đăng ký thi tốt nghiệp, nhằm đảm bảo chất lượng ôn tập của các em và chất lượng đào tạo của nhà trường.
Theo kế hoạch, đến học kỳ 2, sau khi tổ chức kiểm tra và đánh giá học sinh theo đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp 2025, nhà trường sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp, giúp học sinh có tâm lý tốt nhất chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới”.
Phương Thảo