Những bệnh nhân ngồi đợi kết quả xét nghiệm tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu.
Những nụ cười truyền động lực
Thành phố một ngày mưa lạnh, tôi gặp ông Nguyễn Văn Khoa, quê ở huyện Hậu Lộc tại hành lang Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa. Người đàn ông 53 tuổi đang chờ kết quả sinh thiết hẹn trả vào thứ 6. Chưa rõ bệnh tật ra sao, ông vẫn hy vọng rất nhiều. Cổ ông đau lâu nay. Thời tiết trở lạnh, cổ càng đau nhiều. Ông bắt xe lên Bệnh viện Đa khoa khám, các bác sĩ cho ông làm một vài xét nghiệm rồi tư vấn sang Bệnh viện Ung bướu để chính xác hơn. Người đàn ông quê biển rắn rỏi, cao lớn, nếu không phải phía dưới cổ có vết băng nhỏ khi làm xét nghiệm thì trông ông như bao người bình thường. “Người ta bảo “49 chưa qua, 53 đã tới”, sinh lão bệnh tử, ai chẳng phải chết nhưng đừng chết vì ung thư. Mình bệnh tật đau đớn là một nhẽ, chỉ tội con cháu. Bệnh này, nó hành tán gia bại sản rồi mới chết, chúng có dư dả gì đâu”, ông Khoa thở dài. Nỗi lo kinh tế cũng là nỗi lo chung của những gia đình có người thân mắc phải ung thư.
Trước cửa phòng xét nghiệm có dãy ghế dài cho bệnh nhân ngồi chờ kết quả. Kẻ ngồi, người đứng nhưng dường như đều yên lặng và trật tự. Tôi ngồi một góc quan sát từng gương mặt mỏi mệt đợi chờ. Đâu đó có tiếng thì thầm “Không sao đâu, cố lên nhé tôi!” của ai đó nói với chính mình; lại có tiếng lầm rầm “Con nam mô a di đà Phật!...”; Rồi cạnh đó, cạnh đó nữa: “Dù kết quả thế nào, chúng con luôn bên cạnh bố”... Biết động viên họ điều gì đây?
Cánh cửa xét nghiệm mở ra, ai cũng nín lặng, chờ đợi. Nghĩ tôi là một trong những người cũng đang chờ đợi một phép màu, chị ngồi kế bên quay sang cười hiền lành. Chị hỏi về gia đình, công việc, tuyệt nhiên không nhắc tới bệnh tật. Có lẽ, chị sợ nhắc nhiều một điều gì đó, nó sẽ thành sự thật. Nụ cười - thứ phù phiếm nhất của người mang bệnh là món quà mà những người xa lạ trao đổi với nhau, truyền động lực cho nhau. Họ nhìn nhau, cười; chia sẻ với nhau, cười; an ủi nhau, cười; chúc mừng nhau, cười; chia tay nhau, cười... Bởi tiếng khóc và nước mắt ở chốn này thừa thãi quá rồi, nước mắt không những không giúp được gì cho nhau mà còn làm tăng sự mệt mỏi, kéo dài đau đớn, mở lối trầm cảm khiến bệnh tình bệnh nhân càng nặng hơn.
Trưởng khoa Hoàng Thị Hà lúc nào cũng dặn bệnh nhân phải lạc quan lên, phải thật thoải mái tinh thần mà chiến đấu với bệnh tật, đẩy lùi bệnh tật chứ càng nặng nề càng sụp đổ càng khó chữa trị. “Ngày nay y tế đã phát triển lắm rồi, đã có nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư một cách hiệu quả. Do đó ung thư đã không còn là án tử, người bệnh cần vững vàng tâm lý và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, đặc biệt là cần tinh thần lạc quan thì sẽ chiến thắng bệnh tật...”, bác sĩ Hà khẳng định.
Phải rồi, phải lạc quan lên chứ, phải thật mạnh mẽ nhé, những người tôi đã gặp.
Vỗ về nỗi đau cuối đời
Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh chữa ung thư. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 200 - 300 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hơn 700 bệnh nhân nội trú.
Ung thư là căn bệnh hiểm nghèo, thường đến thầm lặng. Nỗi đau thể chất và cả tinh thần ở bệnh nhân ung thư là rất lớn. Bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ thường đã trải qua nhiều phương pháp điều trị như hóa chất, tia xạ, phẫu thuật, nên càng về cuối càng dễ suy kiệt, nản lòng. Vì thế, người bệnh cần được quan tâm để cải thiện chất lượng cuộc sống những ngày cuối đời. Bác sĩ Hà cho biết: “Chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư giai đoạn muộn, là nhu cầu ngày càng được xã hội quan tâm và coi trọng, cũng là nguồn động lực, động viên những cán bộ y tế như chúng tôi”.
Hàng ngày, bác sĩ Hà sắp xếp thời gian đi từng buồng bệnh, trò chuyện hỏi thăm giúp bệnh nhân thoải mái và lạc quan hơn. Chị cho rằng, tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình bệnh nhân giúp bác sĩ sắp xếp và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh. Ở người già, chị thủ thỉ trò chuyện, thuyết phục họ tuân thủ điều trị. Với bệnh nhân trẻ, chị đồng cảm và khéo léo để tiếp cận, động viên. Chị thoải mái chia sẻ số điện thoại cá nhân để có thể kịp thời tư vấn và hướng dẫn gia đình cách xử trí khi bệnh nhân ở xa gặp tác dụng phụ khi điều trị.
Bác sĩ luôn động viên bệnh nhân vững tin vào điều trị để có cơ hội chữa khỏi bệnh ở giai đoạn sớm, tránh tự ý dùng những phương pháp truyền miệng không có cơ sở khoa học. Bởi, đối với người bệnh ung thư, thời gian sống sau 5 năm được xem là điều trị khỏi, vì tế bào thường di căn nhiều trong khoảng từ hai đến ba năm đầu. Trường hợp tái phát sau 5 năm, được phát hiện sớm, bệnh nhân vẫn được điều trị tốt. Do đó, người dân nên quan tâm đến sức khỏe, khám định kỳ, “biết sớm trị lành”, bác sĩ khuyến nghị.
Theo kinh nghiệm của bác sĩ Hà, thông thường, bệnh nhân ung thư muốn nghe chia sẻ về những người mắc bệnh giống họ nhưng đã khỏi, hơn là cách điều trị hoặc tiến bộ y học. Tựu chung, bất kỳ bệnh nhân nào cũng khao khát sống, song kỳ vọng có thể khác nhau. Có người mẹ trẻ bị ung thư mong sống lâu hơn dự đám cưới con, có trường hợp từ chối xạ trị để cứu đứa con trong bụng, có người không muốn điều trị vì kinh tế kiệt quệ... Lúc này, người bác sĩ phải biết được mong muốn của bệnh nhân để động viên và xoa dịu nỗi đau cho họ.
Hàng chục năm làm nghề, bác sĩ Hà tâm niệm niềm hạnh phúc nhất của người bác sĩ là giúp bệnh nhân giảm đau đớn và khỏe mạnh lên từng ngày. Nhiều bệnh nhân ở giai đoạn muộn nhờ sự quyết tâm của chính mình và gia đình cũng như sự điều trị kịp thời của bác sĩ đã có thể kéo dài thời gian sống như một phép màu. “Được sát cánh chiến đấu cùng bệnh nhân đến tận giây phút cuối cùng là điều may mắn và tự hào của một bác sĩ chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Bài và ảnh: Tăng Thúy