Lương 30 triệu/tháng nhưng không tiết kiệm được đồng nào

Lương 30 triệu/tháng nhưng không tiết kiệm được đồng nào
5 giờ trướcBài gốc
Trong mắt nhiều người, lương 30 triệu/tháng là mức thu nhập lý tưởng. Nhưng với một bộ phận không nhỏ người trẻ đã lập gia đình, số tiền ấy đôi khi chỉ đủ xoay xở từng tháng, chứ không để lại được khoản tiết kiệm nào. Vật giá leo thang, áp lực chi tiêu cho con cái, nhà cửa, bảo hiểm, khoản nào cũng tưởng là nhỏ nhưng cộng lại thì thành gánh nặng.
Thu nhập 30 triệu nhưng vẫn thấy "âm tiền" vào cuối tháng
Làm việc ở TP.HCM, vợ đang mang bầu bé thứ hai, con đầu mới 4 tuổi đang học mầm non tư thục, Huy Minh (32 tuổi) từng hy vọng lương 30 triệu sẽ đủ để gia đình êm ấm. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.
"Chi phí cố định mỗi tháng của mình đã gần hết thu nhập. Trả lãi ngân hàng mua nhà, mua xe đã 4,2 triệu. Bảo hiểm nhân thọ cho cả nhà 2,4 triệu. Mình vẫn nuôi xe ô tô vì cần di chuyển đưa vợ con đi khám thai, đi học... Mỗi tháng riêng xe đã tốn 3–4 triệu cả xăng, bảo trì, gửi xe."
Gia đình 4 người của Huy Minh thường xuyên tiêu hết sạch tiền lương kiếm được hàng tháng. Ảnh minh họa
Con còn nhỏ, lại học tư nên chi phí học hành, ăn uống, chăm sóc đặc biệt, đồ dùng liên tục thay mới... luôn ngốn thêm vài triệu mỗi tháng. Vợ đang bầu bé thứ hai, nhu cầu bồi dưỡng, thăm khám lại tăng cao. Dù không vung tay quá trán, nhưng đến cuối tháng, vợ chồng Huy Minh thường xuyên rơi vào cảnh: “tiền vừa nhận đã chia hết cho các khoản, không kịp để dành”.
Cũng là lương khoảng 30 triệu cho cả hai vợ chồng, Hoàng Lan (34 tuổi, Hà Nội) đang nuôi hai con nhỏ - bé lớn học tiểu học, bé nhỏ mới hơn một tuổi. Dù thu nhập không cao hơn gia đình Huy Minh, nhưng Hoàng Lan vẫn duy trì được một khoản dư nho nhỏ vào mỗi tháng.
“Mình nghĩ điểm khác biệt lớn nhất là cách kiểm soát chi tiêu và chấp nhận hy sinh một số khoản không cần thiết. Tháng nào cũng phải trả góp tiền mua nhà 9 triệu, chưa kể học phí cho con lớn ở trung tâm ngoại ngữ, con bé dùng sữa và bỉm ngoại... Thế nhưng thay vì để mọi thứ ‘bung nóc’, mình học cách giới hạn rõ ngân sách cho từng khoản.”
Hoàng Lan chia ngân sách thành từng nhóm: nhà cửa - 9 triệu, con cái - 8 triệu, sinh hoạt - 7 triệu, còn lại là chi phí dự phòng và tiết kiệm nếu có thể. “Mình từng không để dành được gì, nhưng giờ tập thói quen cất 500.000 - 1 triệu mỗi tháng ngay khi nhận lương, rồi mới chi tiêu. Không nhiều, nhưng giúp mình có cảm giác chủ động và tự tin hơn.”
Tuy nhiên, Hoàng Lan cũng thừa nhận, nếu có biến cố xảy ra chẳng hạn như mất việc, con ốm dài ngày, xe hỏng... thì khoản tiết kiệm ít ỏi ấy cũng sẽ bay trong vài ngày.
Nếu tháng nào có biến cố, tổng thu nhập 30 triệu/tháng của nhà Hoàng Lan cũng hết sạch. Ảnh minh họa
Nguyễn Tấn Phát (29 tuổi, Đà Nẵng), nhân viên truyền thông tự do, là người độc thân nhưng vẫn cảm thấy áp lực với mức thu nhập 30 triệu đồng mỗi tháng. Không vướng bận con cái hay vay nợ mua nhà, nhưng Phát thừa nhận bản thân từng chi tiêu “vô tư quá mức” khiến tài khoản thường xuyên báo đỏ.
“Lúc mới nhận các job có mức lương ấn tượng, mình nghĩ đó là phần thưởng xứng đáng cho sự cố gắng. Nên mình không tiếc khi chi tiền cho ăn uống, du lịch, đầu tư thiết bị làm việc, thi thoảng còn mời bạn bè đi chơi, đi bar, cà phê cuối tuần như một thói quen xã hội. Mỗi khoản lẻ tẻ chỉ vài trăm nghìn, nhưng tổng cộng lại thì khủng khiếp lắm.”
Chưa kể, công việc freelancer khiến thu nhập tháng nhiều, tháng ít. Đến khi có vài tháng vắng khách, Phát mới giật mình nhìn lại tài khoản trống trơn, không có nổi một quỹ dự phòng nào để xoay xở.
Thay đổi quản lý tài chính thế nào để sống tốt hơn?
Sau nhiều tháng sống trong cảm giác "lương vừa nhận đã hết", vợ chồng Huy Minh buộc phải ngồi lại với nhau để rà soát toàn bộ chi tiêu. “Mình từng nghĩ đã tiết kiệm rồi, nhưng khi liệt kê cụ thể thì mới phát hiện có rất nhiều khoản tưởng nhỏ nhưng dồn lại rất lớn: ăn ngoài, đặt đồ online, mua thêm đồ dùng cho con, tiền điện thoại, mạng, phí dịch vụ...”
Gia đình Minh bắt đầu thử cách chi tiêu theo tuần, thay vì theo tháng. Mỗi tuần chỉ được phép rút ra một số tiền cố định để tiêu dùng, nếu vượt thì tuần sau phải bù lại. “Cách này nghe thì nhỏ nhặt nhưng rất hiệu quả. Bọn mình kiểm soát được tốt hơn, và cuối tháng không còn bất ngờ vì thâm hụt nữa. Ngoài ra, mình cũng nhận thêm việc freelance vào buổi tối - mỗi tháng dư ra khoảng 3–5 triệu. Không nhiều, nhưng cũng giúp bớt áp lực", Huy chia sẻ.
Gia đình Minh đã phải thay đổi cách quản lý tài chính để không tiêu hết sạch tiền mỗi tháng. Ảnh minh họa
Còn với Hoàng Lan, việc quản lý tài chính là cả một quá trình học hỏi và thay đổi thói quen tiêu dùng của cả nhà. “Trước đây có tháng mình tiêu xong mới biết đã vượt ngân sách. Giờ mình áp dụng nguyên tắc ‘trả cho bản thân trước’ – tức là ngay khi nhận lương, sẽ trích 1 triệu vào tài khoản tiết kiệm, không động đến. Còn lại mới chia cho các khoản như nhà cửa, con cái, ăn uống, dự phòng y tế...
Với hai con nhỏ, Lan cũng thay đổi quan điểm về tiêu dùng: “Không phải cái gì tốt nhất cũng là phù hợp nhất. Mình chuyển sang dùng sữa nội, chọn trường học gần nhà hơn, giảm bớt học ngoại khóa và thay bằng các hoạt động tự học cùng con ở nhà.”
Ngoài ra, Lan còn lập một bảng Excel riêng để theo dõi chi tiết thu - chi từng tháng. “Nhìn bảng số liệu cụ thể sẽ giúp mình biết khoản nào đang ‘ăn mòn’ tài chính và điều chỉnh ngay", Lan bộc bạch
Với Tấn Phát - người từng “vung tay quá trán” khi sống độc thân, sự thay đổi đến từ thói quen kiểm soát cảm xúc khi tiêu tiền. Anh chàng cho hay: “Mình đặt giới hạn rõ ràng cho từng nhóm chi tiêu và ưu tiên trả tiền cho những thứ giúp phát triển bản thân hoặc phục vụ công việc. Ngoài ra, mình cũng chủ động học thêm kỹ năng mới, thử sức ở lĩnh vực sáng tạo nội dung để có thêm nguồn thu nhập phụ.”
Vân Anh - CTV
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/kinh-doanh/luong-30-trieu-thang-nhung-khong-tiet-kiem-duoc-dong-nao-202507081447048783.html