Lương cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ: Cần tương xứng với cống hiến

Lương cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ: Cần tương xứng với cống hiến
một ngày trướcBài gốc
Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC
Không thể đo đếm bằng tiền
Cách đây hơn 2 năm, Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) áp dụng mô hình trả lương theo vị trí việc làm. Giám đốc Phạm Hồng Chương cho hay, hiện đơn vị vẫn duy trì hệ thống lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
Đại học Kinh tế Quốc dân trả mức lương khởi điểm cho vị trí giảng viên chính có bằng thạc sĩ 14 triệu đồng; TS 20 triệu đồng; PGS 25 triệu đồng và GS 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, giảng viên nhận thêm một phần lương dựa trên thang bảng lương hệ số, được tính vào thu nhập chính hằng tháng.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, hình thức trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với xu hướng phát triển và cơ chế tự chủ tài chính. Phương thức này góp phần đánh giá rõ ràng hơn những đóng góp của giảng viên trong giảng dạy, đào tạo và các hoạt động khác của nhà trường. “Chúng tôi hướng tới thu hút nhân tài xuất sắc từ sinh viên đến giảng viên. Đây là con đường đúng đắn nên chúng tôi kiên định”, GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.
Để áp dụng hình thức trả lương theo vị trí việc làm, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng phương án linh hoạt và tiến hành thử nghiệm theo từng giai đoạn. Ngoài ra, cần có thêm văn bản hướng dẫn từ Nhà nước để có thể thuận lợi hơn trong việc điều chỉnh tiền lương cho giảng viên đại học, trong đó có các GS, PGS, TS.
Ở nhiều trường đại học, GS, PGS nhận gần 100 triệu đồng/tháng, TS thu nhập hàng chục triệu/tháng. Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), tổng thu nhập trung bình của giảng viên dao động 35 - 45 triệu đồng/tháng đối với TS và 85 triệu đồng/tháng đối với PGS và GS. Còn Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), giảng viên có trình độ TS, kinh nghiệm trên 3 năm thu nhập 35 triệu đồng/tháng; PGS 55 triệu đồng/tháng, GS 65 triệu đồng/tháng...
Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân trong giờ lên lớp. Ảnh: TG
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thu nhập của GS, PGS, TS đến từ nhiều nguồn như: Lương cơ bản cộng với khoản thu nhập tăng thêm do cơ chế tự chủ; thù lao từ số giờ giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Những giảng viên có khả năng nghiên cứu tốt, công bố bài báo quốc tế sẽ được nhận tiền thưởng, có trường thưởng đến hàng trăm triệu đồng mỗi bài báo. Chẳng hạn, một giảng viên công bố 5 bài báo quốc tế/năm có thể nhận khoảng 1 tỷ đồng. Mức thu nhập này tương đương trung bình mỗi tháng gần 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, để đạt được học hàm, học vị, họ phải nỗ lực rất nhiều trong suốt quá trình nghiên cứu, giảng dạy và cống hiến. Đóng góp của họ không chỉ nằm ở công trình nghiên cứu khoa học, mà còn là vai trò dẫn dắt, định hướng cho giảng viên trẻ. “Giá trị của GS, PGS, TS không thể đo đếm chỉ bằng tiền”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
Thu nhập GS, PGS, TS cao phản ánh chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, cũng như khả năng thu hút sinh viên, hay hợp đồng nghiên cứu có thể mang lại thu nhập cao hơn cho giảng viên.
Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thu nhập, lương chỉ là thước đo nhưng không phải lúc nào cũng thể hiện trọn vẹn giá trị thực sự của một nhà khoa học hay giảng viên. Thu nhập cao là điều tốt nếu họ thực sự tạo ra giá trị thực cho xã hội và cần minh bạch, khách quan những đóng góp này.
Tại Việt Nam, việc đánh giá năng lực giảng viên chủ yếu thông qua số lượng bài báo khoa học (ISI, Scopus) hoặc đề tài nghiên cứu, nhưng chưa có cơ chế tốt để đánh giá giá trị thực tế sản phẩm nghiên cứu.
Từ thực tế này, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, nên trả lương cứng cho GS, PGS, TS theo vị trí việc làm và thu nhập mềm từ thương mại hóa sản phẩm hoặc công trình bài báo. Trường đại học nơi bổ nhiệm GS, PGS có thể đánh giá KPI (Key Performance Indicators) để trả lương hoặc đưa ra khỏi vị trí GS, PGS sau 3 năm nếu KPI thấp, sinh viên không hài lòng và không đóng góp giá trị cho nhà trường cũng như xã hội.
Khi mô hình tự chủ đại học ra đời, cùng với tinh thần quốc gia khởi nghiệp đã cho phép hình thành các doanh nghiệp trong trường đại học. GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, mô hình Spin-off là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, được hình thành trong các trường đại học, viện nghiên cứu để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế.
Thực tế cho thấy, mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up) được quan tâm nhiều nhưng mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off) chưa được quan tâm đúng mức, chưa có cơ chế khuyến khích thúc đẩy phát triển ở các trường đại học. Hằng năm, có khoảng vài nghìn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được triển khai từ trường đại học.
Nhiều đề tài, quy trình công nghệ, sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn nhưng chỉ một số khiêm tốn được chuyển giao hay thương mại hóa để tạo ra giá trị gia tăng cao, phục vụ quốc kế dân sinh. Điều này gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay, mô hình doanh nghiệpSpin-off thành công ở nhiều trường đại học trên thế giới; hằng năm, tạo ra khoảng 100 - 200 doanh nghiệp Spin-off, với doanh thu khá lớn và tạo ra nhiều việc làm.
Mô hình này tạo cơ chế thuận lợi để các nhà khoa học tự khởi nghiệp bằng chính công nghệ của mình, đóng góp tích cực cho sự phát triển thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ; trình diễn, triển lãm giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ, đặc biệt, mở ra nhiều cơ hội kết nối sâu rộng, toàn diện giữa doanh nghiệp trong trường đại học với doanh nghiệp - đối tác trong và ngoài nước.
Từ thực tế địa phương, bà Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cho biết, nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ còn chưa tương xứng và ngang bằng nhiệm vụ. Do đó, cần cơ chế tiền lương, thưởng hỗ trợ cho nhà khoa học đầu ngành tương đương với các nước trong khu vực; triển khai chương trình nghiên cứu trọng điểm, thu hút chuyên gia đầu ngành của quốc tế. Đồng thời, triển khai chính sách đặc biệt dành cho đội ngũ nhà khoa học trẻ của lĩnh vực khoa học công nghệ.
Nhấn mạnh sự cần thiết thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, ông Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) khẳng định, điều này tạo động lực cho nghiên cứu, từ tìm kiếm ý tưởng, triển khai đến nỗ lực để có kết quả cuối cùng. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học cũng tạo ra, bổ sung, bồi đắp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và đảm bảo đời sống, vị thế của nhà khoa học.
Minh Phong
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/luong-cho-giao-su-pho-giao-su-tien-si-can-tuong-xung-voi-cong-hien-post725352.html