Lương giáo viên chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp
Kể từ thời điểm 1/7/2024, lương giáo viên mầm non và phổ thông tăng khoảng 4,91-15,87 triệu đồng/tháng (trước 1/7/2024 khoảng 3,78-12,2 triệu đồng/tháng).
Theo đó, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông hạng I sẽ nhận mức lương cao nhất. Cụ thể, giáo viên có hệ số lương 6,78 hưởng lương khoảng 16 triệu đồng/tháng. Giáo viên mầm non hạng III là nhóm nhận lương thấp nhất, dao động khoảng từ 4,91-11,44 triệu đồng/tháng (tùy bậc).
Nhìn tổng thể, mức lương và phụ cấp ưu đãi của viên chức giáo viên đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác (như lực lượng vũ trang, ngân hàng, khối đảng đoàn thể trong điều kiện làm việc tương đồng).
Bàn về lương giáo viên vào đầu tháng 4/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố.
Kết quả nghiên cứu của Viện phát triển chính sách, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (IDP-VNU) công bố vào ngày 18/11/2024 còn cho thấy thu nhập của giáo viên vẫn chỉ đáp ứng được trung bình 51,87 nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình, đối với nhóm không có làm thêm các nghề phụ.
Đối với nhóm giáo viên có làm thêm nghề phụ, thu nhập đáp ứng được khoảng 62,55% nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Còn đối với giáo viên có thâm niên nghề nghiệp dưới 10 năm, đánh giá thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 45,7% nhu cầu chi tiêu hàng tháng.
Sự phức tạp trong việc thực hiện chế độ tiền lương giáo viên
Lương của nhà giáo "được ưu tiên xếp cao nhất" trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI sau hơn 10 năm vẫn chưa đi vào thực tiễn vì Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo.
Hiện nay, tiền lương nhà giáo đang được chi trả theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, nhà giáo là viên chức được áp dụng bảng lương 3: bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ chung đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, được hưởng mức lương khởi điểm tương ứng với quy định về trình độ đào tạo (loại B đối với trình độ cao đẳng, loại A đối với từ trình độ đại học trở lên).
Chênh lệch giữa hệ số lương khởi điểm của bảng lương trong một số trường hợp còn quá thấp, chẳng hạn như chênh lệch giữa loại B (2,10) và A1 (2,34); giữa loại A2.2 (4,0) với A2.1 (4,4). Do vậy, khi giáo viên được thăng hạng gần như không được hưởng lợi về lương, không nhận thấy được hưởng chế độ cao hơn khi đạt năng lực, trình độ cao hơn.
Cùng với đó, chính sách tiền lương giáo viên hiện được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản pháp luật như Luật Viên chức 2019; Luật Cán bộ, công chức; Luật Giáo dục, Luật Lao động;...
Việc thực hiện chế độ tiền lương giáo viên được dựa trên một hệ thống các văn bản dưới luật bao gồm nhiều nghị quyết, nghị định, các thông tư và thông tư liên tịch. Vì có quá nhiều Bộ, ngành và cơ quan liên quan tới việc xây dựng chính sách tiền lương giáo viên dẫn tới sự phức tạp và khó khăn trong việc thực hiện chế độ tiền lương.
Ngoài ra, Kết luận 83-KL/TW về cải cách tiền lương từ 01/7/2024 cho biết chế độ lương của cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công vẫn chưa được cải cách tổng thể như dự kiến, thay vào đó là tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Có nghĩa là việc xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm vẫn chưa hoàn thiện và áp dụng trên cả nước theo mục tiêu, tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW đã đặt ra.
Lương giáo viên sẽ thay đổi đáng kể khi Luật Nhà giáo được ban hành
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo.
Đáng chú ý, Điều 27 quy định tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập như sau:
a) Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;
b) Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;
c) Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác;
d) Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Như vậy, Dự thảo Luật Nhà giáo đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ".
Cùng với đó, ngày 20/11/2024, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.
Hi vọng khi Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua thì lương giáo viên các bậc học sẽ có sự thay đổi đáng kể so với mức lương hiện nay.
Phan Thế Hoài