Thôn 2 Nhai Tẻn là nơi sinh sống của 26 hộ đồng bào Mông và 63 hộ đồng bào Dao. Trong câu chuyện về ngày xưa cũ, nhiều người ở độ tuổi trung niên vẫn còn nhớ những hủ tục của cộng đồng mình.
Bình đẳng giới góp phần vun đắp niềm vui, hạnh phúc trong mỗi gia đình, cộng đồng.
Khi ấy, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phải chịu nhiều thiệt thòi ngay trong chính gia đình bởi quyền được học tập phần lớn dành cho con trai. Phụ nữ không được tham gia quyết đáp những việc lớn trong gia đình, xã hội. Đời sau nối đời trước, dần dần, những người phụ nữ trở nên im lặng, bình thản chấp nhận những hủ tục quấn lấy đời mình, chẳng mấy ai nghĩ đến việc đấu tranh để thay đổi số phận.
Nhưng hôm nay, câu chuyện ấy đã lùi về quá khứ, những người phụ nữ Mông, Dao tự tin tạo lập một tương lai tươi mới. Giờ đây, chị em ở thôn không chỉ đảm việc nhà mà còn giỏi cả việc chung của thôn, xã.
Mấy năm nay, nhờ được cán bộ hội phụ nữ xã, cán bộ thôn tuyên truyền, bà con hiểu thế nào là bình đẳng giới. Khi đã hiểu, bà con bắt tay thực hiện ngay trong chính gia đình, như con gái cũng như con trai đều được đi học, vợ chồng bình đẳng về kinh tế, thậm chí số phụ nữ làm chủ kinh tế hộ còn nhiều hơn nam giới.
Để có được kết quả ấy, những tuyên truyền viên ở thôn và cũng chính là thành viên tổ truyền thông cộng đồng tích cực tuyên truyền, vận động để tháo gỡ nút thắt trong nhận thức của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nơi đây. Truyền thông được xem là giải pháp hữu hiệu nhất ở thôn 2 Nhai Tẻn và đang phát huy hiệu quả.
Nữ giới tích cực tham gia hoạt động chung của địa phương.
Với trách nhiệm, vai trò của mình, các thành viên tổ truyền thông cộng đồng của thôn không chỉ gương mẫu đi đầu cho bà con tin, làm theo mà còn vận dụng kiến thức có được để trò chuyện, giúp đỡ đồng bào đổi thay từ nhận thức đến hành động. Không nặng về lý thuyết, không cần văn bản đưa tận tay, những thông tin về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới được các thành viên lồng ghép tuyên truyền, giải thích trong mỗi câu chuyện đời thường để bà con dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo.
Câu chuyện về bình đẳng giới giờ đây đã lan tỏa khắp các miền quê ở Kim Sơn. Theo thống kê, toàn xã có 6 thôn được thụ hưởng Dự án 8, gồm: 1 Nhai Tẻn, 2 Nhai Tẻn, 4 Nhai Thổ, Cao Sơn, 1 AB và 7 AB.
Dự án 8 giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Kể từ năm 2022 (khi bắt đầu triển khai Dự án 8) đến nay, nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa đã được tổ chức nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cộng đồng dân tộc thiểu số, chung tay đẩy lùi hủ tục, định kiến để tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Riêng năm 2024, Hội Phụ nữ xã đã triển khai hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em, phòng chống các tệ nạn xã hội; vận động Nhân dân thực hiện tốt các quy định về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phụ nữ sinh con trước 18 tuổi.
Hoạt động truyền thông xóa bỏ định kiến giới.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã thực hiện lồng ghép nội dung truyền thông vào các hội nghị tuyên vận, cuộc họp thôn, bản, thu hút hơn 2.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia. Phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên tổ chức tuyên truyền tại thôn 2 Nhai Thổ và thôn 2 Nhai Tẻn để nâng cao nhận thức của bà con, xóa bỏ định kiến, hủ tục đang tồn tại.
Theo đánh giá, sau 2 năm thực hiện Dự án 8, các cấp hội phụ nữ ở địa phương đã chủ động, nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động sát yêu cầu định hướng nội dung của dự án; công tác tuyên truyền và phối hợp triển khai các hoạt động được thực hiện chặt chẽ, kịp thời, phù hợp với đối tượng.
Thành viên tổ truyền thông cộng đồng tích cực phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động.
Các mô hình, hoạt động của Dự án 8 được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới trong người dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số.
Quỳnh Trang - Nguyễn Thành Phú
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/luong-gio-moi-o-kim-son-post395187.html