Lượng mưa trong tháng 9 vượt giá trị lịch sử hàng chục năm

Lượng mưa trong tháng 9 vượt giá trị lịch sử hàng chục năm
40 phút trướcBài gốc
Kỷ lục mưa được thiết lập là gần 700mm
Ông Nguyễn Đức Hòa, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 9/2024, trên cả nước đã xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông, có ngày có mưa vừa, mưa to; trong đó tại khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện 02 đợt mưa lớn diện rộng Trong đó, đợt 1 từ ngày 07-11/9 và 21-22/9; đợt mưa từ ngày 07-11/9, của hoàn lưu bão số 3 nên khu vực Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, có nơi trên 500mm, đặc biệt ở Định Hóa (Thái Nguyên) có mưa 612mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có mưa 683mm.
Tháng 9 ghi nhận lượng mưa lịch sử trong hàng chục năm.
Trong tháng 9/2024, tổng lượng mưa tại hầu hết các nơi trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-80%, có nơi cao hơn; đặc biệt, khu vực Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Bộ có mưa cao hơn từ 100-200%, có nơi cao hơn 4 lần so với trung bình nhiều năm; riêng một số nơi ở khu vực vùng núi Tây Bắc và Nam Bộ có mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, khu vực Nam Trung Bộ có mưa thấp hơn từ 20-50% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tại khu vực Trung Bộ có các đợt mưa lớn từ ngày 06-07/9 và 10-12/9 tại khu vực Bắc Trung Bộ; từ ngày 17-23/9 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ; trong đó, đợt mưa từ ngày 17-23/9 do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và hoàn lưu cơn bão số 4, khu vực Trung Bộ có mưa diện rộng, đặc biệt khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, có nơi hơn 500mm, đặc biệt tại Hương Sơn (Hà Tĩnh) có mưa 636mm. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, xuất hiện nhiều ngày mưa vừa, mưa to và dông. Trên cả nước đã quan trắc được nhiều trạm khí tượng xảy ra giá trị lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ.
Về nhiệt độ trung bình, trong tháng 9/2024, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C, có nơi cao trên 1,5 độ C; riêng một số nơi ở khu vực Bắc Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ có nhiệt độ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Theo Trung tâm Dự báo khi tượng thủy văn quốc gia, dự báo trong tháng 10 trên toàn quốc, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng khu vực Trung Bộ tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Bão lũ đã làm 334 người chết, mất tích
Tháng 9 vừa qua, trên Biển Đông có bão số 3 (Yagi) và bão số 4 hoạt động, đều đổ bộ vào đất liền nước ta. Trong đó bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng với gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 17 và hoàn lưu mưa lũ lớn lịch sử, sạt lở đất sau bão gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc.
Tính đến ngày 27/9, bão lũ đã làm 334 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương.
Có khoảng 282.000 căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp do sạt lở đất. Nông nghiệp thiệt hại khoảng 285.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 189.982ha rừng; 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết....
Thiên tai còn gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và Nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ chưa đầy đủ trên 81.000 tỉ đồng (tương đương gần 3,3 tỉ USD)
Tháng 10 sẽ có khoảng 2 cơn bão đổ bộ vào nước ta
Về bão và áp thấp nhiệt đới, trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm ở Biển Đông có 2 cơn, đổ bộ vào đất liền 0,8 cơn).
Ở khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng. Ngoài ra, mưa dông trên phạm vi cả nước có thể kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Với dự báo mưa lớn, tổng lượng mưa ở Trung Bộ phổ biến cao hơn 10 - 30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các khu vực khác trên cả nước tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Trong thời kỳ dự báo, không khí lạnh tiếp tục có xu hướng hoạt động gia tăng về tần suất và cường độ. "Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Mưa lớn, dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh" - cơ quan khí tượng cảnh báo.
Dự báo từ nay đến hết năm 2024, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.
Trong đó, số bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ, khu vực phía Nam. Đồng thời cần đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Cùng với đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sự tác động cao điểm của các cơn bão năm nay đến Việt Nam lại gần trùng với cao điểm của mùa mưa ở khu vực Trung Bộ.
Cụ thể, từ tháng 9-11, tổng lượng mưa ở khu vực Trung Bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30%.
Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.
"Mùa mưa bão năm nay khả năng sẽ diễn ra khốc liệt, cực đoan, không loại trừ những cơn bão mạnh. Ngoài ra, hiện tượng dông lốc trên đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội", ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/luong-mua-trong-thang-9-vuot-gia-tri-lich-su-hang-chuc-nam-169241001181036817.htm