Trào lưu này thu hút người dùng trên toàn thế giới chia sẻ những hình ảnh theo phong cách vẽ tay đặc trưng của Studio Ghibli, hãng phim hoạt hình Nhật Bản lừng danh do đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki sáng lập, với các bộ phim nổi tiếng như “Vùng đất linh hồn” và “Hàng xóm của tôi là Totoro”.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Similarweb, số người dùng bình quân hàng tuần đã vượt mốc 150 triệu lần đầu tiên trong năm nay. Trong một bài đăng trên X hôm 31/3, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cho biết: “Chúng tôi đã có thêm 1 triệu người dùng chỉ trong vòng 1 giờ qua”. Ông so sánh điều này với cột mốc 1 triệu người dùng trong vòng 5 ngày sau khi ChatGPT được ra mắt cách đây hơn 2 năm.
Ảnh đại diện trên MXH X mang phong cách Studio Ghibli của Sam Altman. Ảnh chụp màn hình.
Theo dữ liệu từ SensorTower, sau khi cập nhật mô hình GPT-4o cho phép tạo ảnh nâng cao, số lượng người dùng hoạt động, doanh thu từ đăng ký trong ứng dụng và lượt tải ứng dụng đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong tuần qua. Lượt tải ứng dụng và số người dùng hoạt động trên ChatGPT hàng tuần tăng lần lượt 11% và 5% so với tuần trước. Doanh thu từ mua hàng trong ứng dụng cũng đạt mức tăng 6%.
Do lượng truy cập tăng đột biến, chatbot này đã gặp một loạt sự cố và gián đoạn quy mô nhỏ trong tuần qua. CEO OpenAI chia sẻ: “Chúng tôi đang kiểm soát được tình hình, nhưng bạn nên chuẩn bị tinh thần rằng các bản phát hành mới từ OpenAI sẽ bị trì hoãn, một số tính năng có thể bị lỗi, và dịch vụ đôi lúc sẽ chậm trễ khi chúng tôi phải xử lý vấn đề về tải trọng hệ thống”.
Tuy nhiên, việc lạm dụng công cụ AI để tạo ra “hiệu ứng Ghibli” hiện đang làm dấy lên quan ngại về khả năng vi phạm bản quyền. Evan Brown, đối tác tại công ty luật Neal & McDevitt, nhận định: “Bối cảnh pháp lý về việc AI tạo ra các hình ảnh bắt chước phong cách đặc trưng của Studio Ghibli là một lĩnh vực chưa rõ ràng. Luật bản quyền thường chỉ bảo vệ những tác phẩm cụ thể, chứ không phải bản thân phong cách nghệ thuật”.
Trong bối cảnh cơn sốt “hiệu ứng Ghibli” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những chia sẻ của Hayao Miyazaki từ năm 2016 về hình ảnh do AI tạo ra cũng đang gây xôn xao trở lại. Ông bình luận: “Tôi cảm thấy cực kỳ kinh tởm. Tôi sẽ không bao giờ muốn đưa công nghệ này vào tác phẩm của mình”.
OpenAI hiện chưa đưa ra phản hồi cho thắc mắc về nguồn dữ liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình AI của công ty, cũng như tính hợp pháp của tính năng này.
Trần Hiền (theo Similarweb, Reuters)