Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Vấn đề ưu đãi tiền lương cho nhà giáo tiếp tục được thảo luận sôi nổi.
Theo dự thảo Luật, tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh, trừ khi có thỏa thuận khác.
Đại biểu Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Quốc hội
Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) tán thành việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại biểu đề nghị song song với việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo.
Đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Quốc hội
Do đó, đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Đồng thời, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) phân tích, quy định “tiền lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập đàm bảo không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác” dường như rất nhân văn nhưng đôi khi lại tạo ra rào cản cơ hội tìm việc làm cho chính các giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ mới ra trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quốc hội
Nữ đại biểu cho rằng, các giáo viên giảng dạy tại cơ sở ngoài công lập bản chất là hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động (chủ đầu tư nhà trường) và người lao động (giáo viên), vậy thì tiền lương phải dựa trên mức thỏa thuận, dựa vào hiệu quả kinh doanh... không thể áp đặt cơ sở giáo dục ngoài công lập trả lương giống như cơ sở giáo dục công lập được.
“Đối với những cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện nay, thường là họ trả lương cho giáo viên cao hơn cơ sở giáo dục công lập, còn đối với cơ sở giáo dục nhỏ, đang bắt đầu phát triển, quy định này dường như tạo sự khó khăn trong việc vận hành, cân đối nguồn thu chi.
Hợp đồng là sự thỏa thuận, vì vậy việc trả lương và các chính sách làm việc cũng là sự thỏa thuận, Nhà nước không nên can thiệp, áp đặt quá sâu vào các quan hệ mang tính thỏa thuận, chúng ta hỗ trợ giáo viên ngoài công lập từ các chính sách khác như đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ thêm tiền lương từ ngân sách... đừng đặt gánh nặng lên vai doanh nghiệp (chủ đầu tư cơ sở giáo dục) để vô tình tạo ra áp lực cho họ”, đại biểu nêu rõ.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nên có chính sách ưu đãi đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Vì nhà giáo tại cơ sở công lập hay ngoài công lập thì đều là nguồn nhân lực của ngành giáo dục, đóng góp chung cho sự nghiệp giáo dục...
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó, chúng ta đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Theo đại biểu, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng thì vẫn là không phù hợp.
Vì vậy, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo. Cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác...
Qua thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với quy định tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, cho rằng đây là nội dung quan trọng, cần thiết để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách tiền lương; cân nhắc việc quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập.
Ủy ban Văn hóa, giáo dục cũng nhất trí quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 5 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi...
Điều hành nội dung phiên họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc.
Phương Thảo