Ảnh minh họa.
Sáng 6/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Dự thảo Luật Nhà giáo nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 25 dự thảo thì lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH Kon Tum) băn khoăn hiện nay, thang bảng lương đang thực hiện và sẽ thực hiện là xếp theo vị trí việc làm và ngạch bậc.
Vậy nếu nhà giáo được tuyển dụng phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp vào ngạch bậc của vị trí đó hay là tất cả các nhà giáo khi được tuyển dụng đều được xếp vào loại A3 (nhóm A3)? Nếu như vậy đã đảm bảo tính hợp lý của nhà giáo được tuyển dụng ở tất cả các bậc học trong giáo dục hay chưa, từ mầm non cho đến THCS, THPT, cho đến đại học?
Còn theo Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu), dự thảo luật nêu nguyên tắc lương nhà giáo cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp nhưng không quy định rõ mức khởi điểm, dễ gây khó khăn khi xếp lương.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho nhà giáo vùng khó khăn tại Điều 26 còn chung chung, giao nhiều cho địa phương dễ dẫn đến chênh lệch. “Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung nội dung nguyên tắc lương khởi điểm nhà giáo tối thiểu cao hơn từ 1 đến 2 bậc so với công chức hành chính cùng trình độ, cụ thể hóa các mức hỗ trợ về nhà ở, đi lại phụ cấp vùng khó khăn, tránh chỉ dừng lại ở nguyên tắc”, đại biểu Hùng nói thêm.
Cũng đề cập về lương giáo viên, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH Bình Thuận) cho rằng việc ưu tiên lương cho nhà giáo thể hiện sự ghi nhận, khuyến khích của đội ngũ giáo viên, nhất là tại vùng khó khăn, ngành học đặc thù như mầm non, tiểu học.
Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu áp dụng nguyên tắc cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp mà không có tiêu chí rõ ràng có thể lại gây phản ứng từ các ngành sự nghiệp công lập khác như y tế, văn hóa, khoa học hay cũng có thể là thiếu cân bằng trong nội bộ nếu không gắn với chất lượng, vị trí việc làm và gây áp lực lớn cho ngân sách khi triển khai thực hiện đồng loạt.
Với băn khoăn trên, đại biểu kiến nghị biên tập lại khoản trên theo hướng không quy định lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp một cách “cứng nhắc” mà thiết kế bảng lương riêng cho nhà giáo theo nguyên tắc phù hợp với đặc thù ngành nghề có hệ số, có phụ cấp ưu đãi thâm niên hợp lý, gắn với chuẩn nghề nghiệp, kết quả đánh giá vào vị trí việc làm cụ thể, đồng thời nâng lương cần đi đôi với đổi mới, đánh giá chất lượng giảng dạy đảm bảo nguyên tắc trả lương theo năng lực và hiệu quả.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH Thái Bình) đặt vấn đề hiện nay việc xã hội hóa giáo dục giúp chuyển nguồn chi từ ngân sách Nhà nước sang nguồn kinh phí thu từ học phí của các đơn vị sự nghiệp tự chủ.
Vì vậy, các quy định về chế độ tiền lương phải có sự điều chỉnh phù hợp với cơ chế tự chủ của các đơn vị.
Bên cạnh đó, trong dự thảo luật quy định khá nhiều nội dung có liên quan và cần đến nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính.
Do đó, cần phải rà soát quy định, đảm bảo tính khả thi, tránh gây vướng mắc trong triển khai, nhất là những quy định về cơ chế thực hiện tự chủ, chế độ nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, chính sách thu hút nhà giáo, chính sách đào tạo nguồn giáo viên hay các chính sách quy định về lương, phụ cấp đối với giáo viên mầm non và ngay cả chính sách lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Bởi vì nếu áp dụng với các cơ sở giáo dục tự chủ thì những cơ sở giáo dục chính quyền địa phương không đảm bảo được tài chính thì khó có thể triển khai được các chính sách ưu việt này.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo giải thích và làm rõ "phụ cấp ưu đãi nghề" có gì khác với "phụ cấp thâm niên" của nhà giáo hay không?
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, không quy định tăng 01 bậc lương khởi điểm đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đỗ Như