Lượt tìm kiếm trên mạng về đại lễ 30/4 bùng nổ, niềm tự hào dân tộc lan rộng

Lượt tìm kiếm trên mạng về đại lễ 30/4 bùng nổ, niềm tự hào dân tộc lan rộng
6 giờ trướcBài gốc
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã trở thành một sự kiện lịch sử quan trọng, thu hút sự chú ý mạnh mẽ không chỉ trong cộng đồng mà còn trên không gian mạng.
Lượng tìm kiếm tăng mạnh
Chỉ trong tháng 4/2025, sự kiện này đã tạo ra một làn sóng tìm kiếm chưa từng có trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc. Đến ngày 28/4/2025, đã có khoảng 2,8 triệu lượt tìm kiếm liên quan đến các chủ đề về đại lễ lịch sử này.
Một trong những dấu ấn ấn tượng nhất là lượng tìm kiếm đạt đỉnh vào ngày 25/4/2025, với 240.000 lượt tìm kiếm, tăng 550% so với trung bình các ngày đầu tháng. Sự kiện không chỉ chiếm lĩnh các tuyến phố, mà còn lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và công cụ tìm kiếm, cho thấy sức ảnh hưởng của nó trong cộng đồng mạng.
Các chủ đề tìm kiếm chủ yếu xoay quanh các hoạt động chính thức như "diễu binh," "diễu hành," "duyệt binh" cùng với các biểu tượng thiêng liêng như "lá cờ đỏ sao vàng," "hình ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập" và những cột mốc lịch sử như "50 năm thống nhất đất nước." Người dân không chỉ tìm kiếm lịch trình sự kiện mà còn tìm hình nền, logo lễ kỷ niệm, khẩu hiệu tuyên truyền, và tìm hiểu về lịch sử ngày 30/4. Đây là minh chứng rõ ràng cho sức hút của sự kiện và sự kết nối sâu sắc với ký ức lịch sử của dân tộc.
Các từ khóa liên quan đến các hoạt động đặc sắc trong lễ kỷ niệm, như "bắn pháo hoa," "trình diễn drone," "trực thăng tiêm kích diễu binh," cũng thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Ngoài các sự kiện chính, các hoạt động bên lề như chương trình "Hẹn ước Bắc Nam" hay cuộc đua xe đạp toàn quốc cũng là những chủ đề được tìm kiếm nhiều. Điều này thể hiện sự háo hức của người dân về những khoảnh khắc thiêng liêng trong khuôn khổ đại lễ.
Một điểm thú vị là sự xuất hiện của cụm từ "concert quốc gia" – cách gọi sáng tạo của giới trẻ Việt để chỉ lễ diễu binh. Cụm từ này đặc biệt thu hút giới trẻ, với 92% lượt tìm kiếm đến từ người dùng trong độ tuổi 18–34. Việc sử dụng ngôn ngữ trẻ trung này cho thấy thế hệ mới đang tìm cách kết nối với các giá trị truyền thống theo cách gần gũi và sinh động, biến những nghi lễ trang trọng thành một phần của bản hòa ca tự hào dân tộc.
Bên cạnh đó, chủ đề Quốc kỳ, Quốc ca và những bài hát truyền thống cũng “chiếm sóng” suốt tháng 4. Các từ khóa như Quốc ca, Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh… liên tục lọt top tìm kiếm. Người dùng Việt đã “thắp lửa tự hào” trên không gian mạng bằng việc tìm kiếm, chia sẻ những hình ảnh và giai điệu gắn bó với lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do và thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc.
Tinh thần dân tộc lan tỏa trên mạng xã hội
Sự kiện không chỉ lan tỏa qua các công cụ tìm kiếm mà còn bùng nổ trên mạng xã hội. Theo báo cáo của YouNet Media, trong khoảng thời gian từ 27/3 đến 15/4, hơn 173.8K người dùng đã bàn luận về lễ diễu binh và diễu hành, tạo ra hơn 1,15 triệu thảo luận và 8.22 triệu tương tác trên các nền tảng mạng xã hội. Các buổi diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của xe quân sự, đội hình nghi thức đã thu hút sự chú ý từ rất sớm. Tuy nhiên, đến khi những hình ảnh uy hùng của đội trực thăng, tiêm kích được chia sẻ rộng rãi, lượng thảo luận thực sự bùng nổ.
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook và TikTok chiếm tỷ lệ lớn trong các thảo luận này, với 55,6% thảo luận trên Facebook và 34,6% trên TikTok. Sự quan tâm không chỉ thể hiện qua việc bàn luận về lễ diễu binh mà còn thông qua việc chia sẻ thông tin về địa điểm, lịch trình và hình thức xem sự kiện. Điều này chứng tỏ sự kỳ vọng lớn từ người dân về một sự kiện trọng đại.
Theo thống kê từ YouNet Media, 58% thảo luận trên mạng xã hội là lời kêu gọi bạn bè, người thân tham gia lễ diễu binh và diễu hành, qua đó thể hiện một tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ. Bên cạnh đó, 51% thảo luận liên quan đến niềm tự hào dân tộc, cho thấy người dân không chỉ coi đây là một dịp kỷ niệm, mà còn là cơ hội để thể hiện tình yêu đất nước, sự tôn vinh đối với lịch sử đấu tranh giành độc lập và tự do.
Bên cạnh đó, các câu hỏi như "Khi nào diễn ra?," "Địa điểm tổ chức ở đâu?," và "Nếu không ở Sài Gòn thì xem như thế nào?" cũng cho thấy sự mong đợi của người dân đối với sự kiện, đặc biệt là mong muốn được tham gia và chứng kiến các hoạt động của lễ kỷ niệm.
Bà Mai Thị Thanh Oanh - Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc chia sẻ: "Chúng tôi cảm nhận sâu sắc niềm tự hào dân tộc đang được thắp sáng qua từng từ khóa, từng cú click trên nền tảng tìm kiếm Make in Việt Nam. Chúng tôi tự hào khi đồng hành cùng người Việt trong hành trình bảo tồn và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa thiêng liêng của dân tộc."
Dự báo, lượng thảo luận và tương tác trên mạng xã hội sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới, biến sự kiện này không chỉ là một dấu mốc lịch sử quan trọng, mà còn là dịp để tinh thần dân tộc lan tỏa rộng rãi, tạo ra một không khí hân hoan và tự hào dân tộc trên toàn quốc./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/luot-tim-kiem-tren-mang-ve-dai-le-304-bung-no-niem-tu-hao-dan-toc-lan-rong-post1035786.vnp