1. Nguyên nhân gây lupus ban đỏ
Bệnh lupus ban đỏ hay còn gọi là lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý tự miễn do cơ thể sản xuất ra các tự kháng thể và gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 20-40, nữ nhiều hơn nam, có tính chất gia đình nhưng khả năng con cái mắc bệnh là rất thấp.
NỘI DUNG::
1. Nguyên nhân gây lupus ban đỏ
2. Dấu hiệu lupus ban đỏ
3. Lupus ban đỏ có lây không?
4. Phòng ngừa lupus ban đỏ
5. Điều trị lupus ban đỏ
Nguyên nhân gây ra bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được biết rõ ràng. Cơ chế bệnh sinh của bệnh là một quá trình phức tạp với sự tham gia của nhiều yếu tố như di truyền, miễn dịch thể dịch, miễn dịch tế bào và yếu tố môi trường. Một số gen quy định phức hợp kháng nguyên phù hợp tổ chức như HLADR 2,3,8, các gen mã hóa bổ thể C1q, C2, C4 và một số cytokin có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh cao.
Lupus ban đỏ xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn tấn công vào các mô lành mạnh của chính cơ thể bạn. Tuy nhiên có 3 yếu tố liên quan chính đến bệnh là:
Yếu tố môi trường: Căng thẳng tâm lý, chấn thương, ánh nắng... Đặc biệt ánh nắng mặt trời là yếu tố liên quan với đợt cấp lupus.
Di truyền: Một số trường hợp có lupus ban đỏ gia đình, tuy nhiên đây là di truyền đoạn gen, do đó không phải cứ bố mẹ bị bệnh thì các con của họ đều bị bệnh.
Nội tiết tố: Nữ giới thường gặp nhiều hơn nam. Các yếu tố nội tiết sinh dục nữ được chứng minh có liên quan với tỷ lệ mắc bệnh.
2. Dấu hiệu lupus ban đỏ
Các biểu hiện của lupus không phải bao giờ cũng giống hệt nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra đột ngột hay từ từ, có thể nhẹ hay nặng, và có thể là tạm thời hay thường xuyên. Đa số người bệnh lupus có biểu hiện nhẹ với các đợt bùng phát nặng hơn, sau đó được cải thiện và cũng có thể đôi khi biến mất hẳn theo thời gian. Các triệu chứng thường gặp là:
Biểu hiện toàn thân: Mệt mỏi, sốt, sút cân.
ThS.BS Võ Thị Kim Tương- Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 2 (Bệnh viện Hữu Nghị).
Biểu hiện khớp: Đau các khớp nhỡ và nhỏ ở tay, chân. Có thể sưng khớp, cứng khớp buổi sáng.
Biểu hiện ở da, niêm mạc, tóc:
Ban đỏ: thường gặp ở 2 má và mũi (ban cánh bướm). Vị trí tiếp xúc ánh sáng như cổ, ngực, tay,... Tổn thương nặng hơn khi ra nắng.
Tổn thương da khác: Viêm mạch ở tay, ban đỏ dạng bán cấp: dạng vòng, dạng vảy nến...
Loét miệng: thường gặp và không đau.
Rụng tóc: tóc mảnh và thưa, thường mọc trở lại sau khi bệnh đã ổn định.
Biểu hiện ở các cơ quan nội tạng (thường được xác định qua các xét nghiệm):
Thận: viêm thận, hội chứng thận hư, suy thận.
Máu: Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
Tim, phổi: khó thở, đau ngực do viêm màng tim, màng phổi.
Thần kinh – tâm thần: trầm cảm, rối loạn tâm thần, đau đầu, động kinh.
3. Lupus ban đỏ có lây không?
Lupus ban đỏ là bệnh lý tự miễn có cả những biểu hiện ở ngoài da tuy nhiên đây không phải là bệnh lý lây truyền.
4. Phòng ngừa lupus ban đỏ
Hiện chưa có phương pháp để phòng ngừa bệnh lupus ban đỏ. Người bệnh cần cẩn thận khi sử dụng một số thuốc dễ gây mẫn cảm, nhất là kháng sinh như procainamide, hydralazine, minocycline, diltiazem, penicillamine, INH, quinidine, methyldopa…. Đề phòng các đợt nhiễm khuẩn.
Ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần hai bên cho nữ bệnh nhân 40 tuổi bị lupus ban đỏ hệ thống dẫn tới viêm khớp đau không đi lại được tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
5. Điều trị lupus ban đỏ
Bệnh chưa có thuốc điều trị khỏi, tiến triển gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân nên cần được phát hiện sớm và theo dõi điều trị thường xuyên. Bởi bệnh lupus ban đỏ hệ thống có thể gây tử vong nếu không điều trị thường xuyên do tổn thương các cơ quan nội tạng.
Tuy nhiên lupus ban đỏ có thể điều trị hiệu quả với thuốc, và hầu hết người bệnh lupus có thể có cuộc sống chủ động, khỏe mạnh. Lupus ban đỏ điển hình tiến triển bùng phát từng đợt đan xen với những thời kỳ lui bệnh khỏe mạnh. Hiểu rõ cách phòng ngừa và điều trị thích hợp các đợt bùng phát sẽ giúp cho người bệnh lupus ban đỏ duy trì được sức khỏe tốt hơn.
Khi điều trị bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ nặng/nhẹ của bệnh và cân nhắc cẩn thận giữa tác dụng mong muốn và tác dụng phụ của mỗi loại thuốc. Bệnh cần theo dõi định kì tại cơ sở chuyên khoa, không tự ý sử dụng thuốc và dừng thuốc. Các nhóm thuốc được lựa chọn điều trị bệnh bao gồm: Steroids (prednisolone, medrol…) liều được bác sĩ điều chỉnh theo tình trạng bệnh.
Với các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể không cần dùng thuốc và áp dụng các phương pháp bao gồm: nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, dự phòng nhiễm khuẩn, giáo dục bệnh nhân hiểu rõ về bệnh.
Một số trường hợp tổn thương suy thận nặng có thể phải lọc máu hoặc ghép thận.
ThS.BS Võ Thị Kim Tương