Lưu giữ nét đẹp văn hóa độc đáo của người Cơ Tu

Lưu giữ nét đẹp văn hóa độc đáo của người Cơ Tu
5 giờ trướcBài gốc
Lễ khánh thành nhà Gươl văn hóa bản Ca Noon 1, xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thủy Lê
Trái tim, linh hồn của buôn làng
Nói đến dân tộc Cơ Tu phải nhắc đến nhà Gươl. Nhà Gươl không chỉ là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng, là ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, là sản phẩm văn hóa đặc sắc, mà còn mang sắc thái đặc trưng của cộng đồng người Cơ Tu. Nhà Gươl như một biểu tượng thiêng liêng, rất gần gũi trong đời sống và tinh thần của người Cơ Tu.
Già làng A Lăng Đàn, năm nay đã ngoài 80 tuổi, trú tại thôn A Rớt, xã A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, người Cơ Tu sinh sống tập trung thành từng cộng đồng nhỏ, ven các nguồn nước gọi là buôn làng, nhà này cách nhà kia 5 - 7m, được xếp thành hình tròn, hình bầu dục, tạo thành một vòng khép kín san sát. "Gươl” trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là cộng đồng. Nhà Gươl được dựng chính giữa làng, là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng, là linh hồn và biểu tượng văn hóa của người Cơ Tu. Chính vì thế, nhà Gươl được xem như là trái tim, linh hồn của làng, vậy nên các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều phải có nhà Gươl. Nhìn vào hình ảnh nhà Gươl to hay nhỏ, có thể biết được uy quyền và sức mạnh của buôn làng đó.
Vốn được xem là trái tim, linh hồn của người Cơ Tu nên yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng nhà Gươl được người dân đặc biệt chú trọng. Tương truyền, việc xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng này phải được thực hiện hết sức nghiêm túc. Theo đó, các già làng và những người có uy tín trong buôn làng sẽ tổ chức những cuộc họp mặt để lên kế hoạch và bàn bạc kỹ lưỡng. Vị trí xây dựng ngôi nhà Gươl phải là nơi cao ráo, mùa hè thoáng mát, mùa mưa ấm áp. Bên cạnh đó, nhà Gươl cũng phải ở địa điểm trung tâm của làng. Đảm bảo sao cho khi đứng từ nơi xa, người ta cũng có thể trông thấy.
Nhà Gươl cũng phải đáp ứng được yêu cầu nằm ở vị trí thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Khu đất xây dựng cần bằng phẳng, rộng, có sức chứa gấp 2, 3 lần số người dân trong buôn làng. Một trong những điểm nhấn của nhà Gươl của người Cơ Tu đó chính là sự đoàn kết trong việc xây dựng. Sức mạnh của buôn làng Cơ Tu được thể hiện thông qua việc tất cả các gia đình đều đóng góp nhân lực, vật lực và tiền bạc để đảm bảo sự công bằng trong quá trình xây dựng nhà Gươl. Và tùy thuộc vào địa hình cũng như kinh tế của người đứng đầu mỗi làng mà nhà Gươl sẽ được xây dựng to hay nhỏ, cao hay thấp và mang đặc trưng riêng của mỗi buôn làng.
Lão nghệ nhân Kêr Tíc, bản Ca Noon 1, xã biên giới A Xan bên những tác phẩm điêu khắc của mình. Ảnh: Thủy Lê
Đặc sắc lối kiến trúc
Nhà Gươl - nhà sinh hoạt cộng đồng của người Cơ Tu thường được cấu tạo bằng các loại vật liệu tự nhiên như tre nứa, cỏ tranh, gỗ... Tuy nhiên, thứ quan trọng nhất để xây dựng nên ngôi nhà chính là gỗ.
Già làng A Lăng Đợi, một trong những nghệ nhân dựng nhà Gươl của người Cơ Tu cho biết, nhà Gươl của người Cơ Tu là công trình biểu tượng cho cả buôn làng. Trong kiến trúc truyền thống, nhà Gươl được thiết kế theo kiểu nhà sàn được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây, nhìn từ xa, mái nhà Gươl có hình dáng như trái xoài. Sàn nhà lát bằng tre cật chẻ mỏng, giữa các thanh tre có một độ hở nhất định để tạo nên sự thông thoáng cho nhà Gươl. Dưới mái nhà Gươl, những tấm vách trong nhà Gươl là những bức phù điêu, chạm trổ hình ảnh các con vật trông rất sinh động, như con trâu, đầu trâu, tắc kè, con trăn, kỳ đà và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng được thể hiện, như người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con... Trong nhà Gươl bao giờ cũng trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, nhiều bương đầu thú mà dân làng đã săn bắt hoặc đã giết thịt trong các lễ hội.
Không chỉ là kiến trúc độc đáo, nơi sinh hoạt văn hóa, nhà Gươl còn là không gian lưu giữ những đồ vật có giá trị tâm linh, như giáo mác, cung tên, con dao, sừng trâu, cồng chiêng và các hiện vật mang tính lịch sử. Không chỉ là chốn linh thiêng thờ cúng thần linh, nhà Gươl của người Cơ Tu còn là nơi bàn chuyện làng, chuyện nước, chuyện gia đình và là nơi diễn ra những lễ hội quan trọng, lễ cúng thường niên và không thường niên, như: lễ hội mừng lúa mới, lễ khai năm tạ ơn rừng... Vì vậy, không gian làng, trong đó linh hồn là nhà Gươl có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đông người Cơ Tu.
Trải qua thời gian chiến tranh và sự tác động của cuộc sống hiện đại, nhiều ngôi nhà Gươl đã xuống cấp và mất dần đi. Để giữ được bản sắc văn hóa truyền thống Cơ Tu, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang đầu tư để khôi phục nhà Gươl của các buôn làng trong tỉnh. Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Những năm gần đây, chính quyền, ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Nam Giang nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục nhà Gươl của người Cơ Tu, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống. Đến nay, hầu hết các buôn làng của người Cơ Tu ở Quảng Nam đã có nhà Gươl. Việc khôi phục lại nhà Gươl truyền thống sẽ góp phần vào việc khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu, giúp cho các thế hệ Cơ Tu mai sau hiểu biết và kế thừa những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc mình”.
Là một trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam, người Cơ Tu cư trú chủ yếu trên dãy núi Trường Sơn, tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), A Lưới, Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) và rải rác một số ít ở huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), thành phố Hồ Chí Minh... Đặc biệt, huyện Tây Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống nhất, chiếm hơn 92% dân số của huyện. Hiện nay, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật của người Cơ Tu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, như nói lý, hát lý, múa tung tung da dá... Đây chính là phần thưởng quý giá cho những đóng góp, nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang trong công tác bảo tồn và khai thác những giá trị văn hóa này.
Thủy Lê
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/luu-giu-net-dep-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-co-tu-post481324.html