Các nhà thầu và nhà đầu tư cần có tâm lý chấp nhận tình hình nợ đọng có thể kéo dài
Thầu chính lẫn thầu phụ đều lao đao
Đặc thù của các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp là khoản phải thu khách hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản. Trong hơn 2 năm qua, nhiều nhà thầu đối mặt với khoản phải thu gia tăng và số ngày phải thu cũng tăng mạnh khi các chủ đầu tư “bất động”, “tắc dòng tiền”. Trích lập dự phòng tăng cao khiến không ít doanh nghiệp ghi nhận lỗ lớn.
Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp từng nằm trong tốp đầu ở vai trò thầu phụ chia sẻ, do phải mạnh tay trích lập dự phòng phải thu khó đòi nên lợi nhuận sau thuế năm 2022 âm hơn 100 tỷ đồng. Vị này tin tưởng, công nợ sẽ được thu hồi, nhưng cần chờ thêm một vài năm để “con nợ” hồi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán không sẵn sàng chờ lâu như vậy khi trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp đang thể hiện chất lượng khoản phải thu không cao, dẫn tới giá cổ phiếu đi xuống, nhất là khi đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên HOSE.
Lãnh đạo một nhà thầu phụ khác cho biết, công ty ông cũng lao đao vì chủ đầu tư chưa có tiền trả cho nhà thầu chính, qua đó ảnh hưởng tới nhà thầu phụ. Có nhà thầu chính hoán đổi công nợ cho công ty bằng cổ phiếu, nhưng giá cổ phiếu đó liên tục đi xuống.
“Biết tôi thua lỗ cổ phiếu gì nhất không? HBC. Thắc mắc vì sao nắm giữ HBC hả? Làm thầu phụ cho HBC, người ta khó khăn, không có tiền trả, nên hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu. Thế là mình cầm cổ phiếu HBC, rồi cổ phiếu cắm đầu đi xuống và bị hủy niêm yết, hiện đang giao dịch trên UPCoM. Chẳng biết bao giờ doanh nghiệp khá lên được và cổ phiếu HBC mình cầm có còn giá trị gì không?”, vị giám đốc công ty về xây dựng làm thầu phụ cho HBC nói.
Trong một buổi sinh hoạt với chủ đề “Kỳ vọng ngành gì hồi phục năm 2025”, vị giám đốc trên cho rằng, thị trường bất động sản năm 2025 chưa có dấu hiệu chắc chắn sẽ hồi phục rõ nét. Do đó, các nhà thầu và nhà đầu tư cần có tâm lý chấp nhận tình hình nợ đọng có thể kéo dài.
Cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) được giao dịch trên UPCoM từ ngày 18/9/2024 với giá tham chiếu 5.700 đồng/cổ phiếu, cuối tuần qua giảm còn 4.900 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân chính khiến HBC bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE, chuyển sang giao dịch trên UPCoM là do doanh nghiệp có lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, căn cứ vào báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Theo kỳ báo cáo tài chính mới nhất là quý II/2024, Hòa Bình có các khoản phải thu ngắn hạn hơn 11.220 tỷ đồng, chiếm gần 72% tổng tài sản; tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là gần 9 lần. Đáng lưu ý, chi phí lãi vay cao đã bào mòn lợi nhuận của Công ty, góp phần dẫn tới khoản lỗ hàng ngàn tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2023. Trong 5 quý kinh doanh gần đây nhất, lợi nhuận gộp quý II/2023 đạt trên 420 tỷ đồng, 3 quý sau đó chưa đến 50 tỷ đồng/quý, quý II/2024 tăng lên 100 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay bình quân mà Hòa Bình phải trả là 130 tỷ đồng/quý.
Triển vọng kinh doanh của Hòa Bình còn bất định khi áp lực dòng tiền từ khoản phải thu lớn, thị trường bất động sản dân dụng chưa hồi phục rõ ràng và chiến lược mở rộng thị trường nước ngoài vẫn cần thời gian để có tác động tích cực vào bức tranh kinh doanh chung.
Hiện Hòa Bình đang nỗ lực tái cấu trúc tài chính nhằm giảm bớt gánh nặng lãi vay thông qua các phương án như phát hành trái phiếu hoán đổi nợ, bán nợ, phát hành riêng lẻ, chuyển nhượng thiết bị.
Hưng Thịnh Incons cần tiền trả nợ vay ngân hàng
Trong hơn 2 năm qua, nhiều nhà thầu đối mặt với khoản phải thu gia tăng và số ngày phải thu cũng tăng mạnh khi các chủ đầu tư “bất động”, “tắc dòng tiền”.
Bức tranh xám cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã HTN), nhà thầu thi công cho các dự án của Hưng Thịnh Land. Hiện tại, Hưng Thịnh Incons chưa có báo cáo tài chính quý III/2024, thông tin mới nhất liên quan đến doanh nghiệp này là phương án chào bán 89 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ huy động được 891,2 tỷ đồng để trả nợ vay ngân hàng 434,4 tỷ đồng và thanh toán các hợp đồng thi công xây dựng công trình cho các nhà thầu thi công 456,8 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 của Hưng Thịnh Incons có ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán về việc cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Theo đó, khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp phụ thuộc và khả năng thu xếp nguồn vốn trong thời gian tới.
Báo cáo tài chính 5 năm gần nhất của Hưng Thịnh Incons cho thấy, tỷ trọng khoản phải thu ngắn hạn trong tổng tài sản có xu hướng phình to, từ mức 53% năm 2019 tăng lên hơn 76% năm 2023 và cuối quý II/2024 là 84%. Khoản nợ chịu lãi của doanh nghiệp cao hơn từ 1,1 - 1,7 lần vốn chủ sở hữu, cuối quý II/2024 là 1,16 lần.
Chi phí lãi vay có những giai đoạn gây áp lực lớn lên lợi nhuận của Hưng Thịnh Incons khi lãi suất tăng cao. Chẳng hạn, năm 2022, chi phí lãi vay bằng 51,7% lợi nhuận gộp, năm 2023 gấp 1,13 lần lợi nhuận gộp, quý II/2024 gấp 1,69 lần lợi nhuận gộp (lãi gộp 36 tỷ đồng) khiến lãi sau thuế của Công ty chỉ còn vỏn vẹn 2 tỷ đồng.
Coteccons trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 1.355 tỷ đồng
Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã CTD) được đánh giá là có cấu trúc lành mạnh với thông tin về giá trị hợp đồng chưa thực hiện (backlog) khá lớn trong ngành, nắm giữ lượng tiền mặt cao trong tổng tài sản, tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu thấp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa Coteccons không “vướng” vào vấn đề đặc thù của ngành: khoản phải thu và dự phòng phải thu.
Thông tin tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức giữa tháng 10 vừa qua của Coteccons cho biết, giá trị backlog của Công ty trong những năm tới dự kiến đạt 30.000 tỷ đồng, riêng năm 2025 khoảng 20.000 tỷ đồng. Với vấn đề nợ xấu, Coteccons dự kiến năm 2024 sẽ trích lập dự phòng thêm cho các khoản nợ xấu trước đó, dù đã có Ban thu hồi công nợ và kế hoạch thanh toán. Doanh nghiệp đặt mục tiêu năm tài chính 2025 sẽ không trích lập dự phòng thêm các khoản nợ xấu và thu về được khoảng 100 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm tài chính 2024 (1/7/2023 - 30/6/2024), Coteccons đang trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 1.355 tỷ đồng.
Lưu ý khi đầu tư cổ phiếu xây lắp hạ tầng
Với các doanh nghiệp thi công xây lắp trong lĩnh vực hạ tầng, đặc trưng của nhóm doanh nghiệp này theo chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT là có liên quan vấn đề thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng gần như không tăng trưởng trong 10 - 15 năm qua. Dữ liệu cho thấy, EPS được duy trì trong một biên cụ thể đối với VCG, DPG, HHV và giảm sút đối với LCG, C4G, FCN, do bản chất ngành có nhu cầu huy động vốn lớn, trong khi biên lợi nhuận kinh doanh mỏng.
Diễn biến giá cổ phiếu xây lắp hạ tầng không theo sát mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình, mà chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng trưởng đầu tư công. Cụ thể, giá cổ phiếu của các công ty trong 10 năm qua thường tăng khi mức tăng trưởng đầu tư công đạt hai con số trong 4 giai đoạn: 2013 - 2014, 2015 - 2018, 2020, nửa cuối 2022 - nửa đầu 2023.
Tuy nhiên, quan điểm của các chuyên viên phân tích về các doanh nghiệp trên là có rủi ro về tiến độ thi công chậm hơn dự kiến; chi phí tài chính lớn, rủi ro chậm trả nợ với các doanh nghiệp có dự án BOT như HHV; rủi ro chủ đầu tư triển khai chậm tiến độ dẫn đến doanh thu lĩnh vực xây lắp của VCG, CLG có nguy cơ không đạt kế hoạch. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu có xu hướng tăng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, vốn có biên lợi nhuận mỏng nên rất dễ chịu tác động khi chi phí thay đổi.
Mai Anh