Học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.
Hiểu bản chất môn học
Để nâng cao hiệu quả ôn tập Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cô Nguyễn Thị Lời - Giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Trương Định (Hà Nội) đưa ra một số giải pháp để các thầy cô, học sinh lớp 12 lưu ý và áp dụng linh hoạt.
Theo ghi nhận, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ theo định hướng tích hợp kiến thức liên môn, đánh giá năng lực người học mà giảm học thuộc lòng, tăng cường tính phân hóa nên sẽ có thêm câu hỏi vận dụng, vận dụng cao của Chương trình GDPT 2018.
Xu hướng ra đề thi năm 2025 là giảm bớt áp lực ở các câu bài tập, thay thế bằng những câu hỏi đi sâu vào cơ chế, bản chất môn Sinh học. Một số câu hỏi đánh giá khả năng đọc hiểu dữ liệu, phân tích bảng biểu, sơ đồ, mô hình; nhiều câu hỏi gắn với phần thực hành trong SGK; tỷ lệ câu hỏi vận dụng/vận dụng cao sẽ tăng lên nhất là ở các câu chuyên đề di truyền học, tiến hóa, sinh thái học...
Cô Nguyễn Thị Lời trong giờ dạy môn Sinh học tại trường. Ảnh: Đình Tuệ.
Đề thi được phân bổ theo từng cấp độ: Nhận biết (40%) - Thông hiểu (35%) - Vận dụng (25%). Vì thế, việc học thuộc lý thuyết đơn thuần là chưa đủ, học sinh cần hiểu bản chất môn Sinh học, tập trung rèn luyện kỹ năng đọc đề, phân tích tình huống và áp dụng kiến thức một cách linh hoạt.
So với các môn khác, Sinh học thuộc số ít tổ hợp các trường đại học xét tuyển nhưng điểm xét tuyển lại rất cao, thời gian học kéo dài như: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội)... nên số thí sinh hứng thú với môn này và các khối ngành Sức khỏe cũng ít hơn so với các khối ngành khác.
Là môn Khoa học tự nhiên, ngoài lý thuyết thì môn Sinh học có nhiều dạng bài tập đòi hỏi học sinh hiểu và vận dụng lý thuyết, kết hợp với kiến thức liên môn để giải quyết. Trên cơ sở đó, giáo viên cần xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp, đảm bảo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, phát huy phẩm chất năng lực học sinh.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh phù hợp với từng nhóm đối tượng, thời gian cần thiết để hoàn thành; hệ thống lại kiến thức chương dưới dạng sơ đồ hóa, sơ đồ tư duy; xây dựng bộ đề cương ôn tập phù hợp, chuẩn hóa; hướng dẫn học sinh phương pháp, kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm; tích cực hướng dẫn, động viên, khích lệ học sinh.
Lập thời gian biểu hợp lý
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh tư liệu: Đình Tuệ.
Đối với học sinh, các em cần xác định rõ mục tiêu: Học để thi chọn ngành nghề, trường đại học dựa vào năng lực sở trường của bản thân phù hợp với mình trong tương lai. Lập thời khóa biểu chi tiết để phân bổ thời gian học tập, sử dụng bản kế hoạch treo tường hoặc ứng dụng quản lý thời gian để nhắc lịch học đều đặn.
Thí sinh có thể phân chia giai đoạn ôn thi gồm: Ôn tập toàn diện kiến thức (củng cố căn bản); Luyện đề và kỹ năng làm bài; Rà soát, hệ thống hóa, chữa lỗi sai, rèn tâm lý thi. Học chắc kiến thức cơ bản, nắm vững trọng tâm theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT cho đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dựa trên Chương trình GDPT 2028 và đề thi minh họa.
"Các em phải có ý thức học, tiếp thu bài, chuẩn bị bài và hoàn thành nhiệm vụ giáo viên giao. Học sinh hiểu được bản chất kiến thức thay vì ghi nhớ máy móc; xây dựng sơ đồ hệ thống các chủ đề, vẽ sơ đồ tư duy, đánh dấu những phần cần đặc biệt lưu ý để ôn lại nhiều lần hoặc chọn những giải pháp học ôn phù hợp với bản thân", cô Lời lưu ý thêm.
Đây là giai đoạn nước rút của các sĩ tử lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Đình Tuệ.
Ngoài ra, thí sinh cần luyện đề định kỳ, tăng cường thực hành kỹ năng làm bài. Mỗi tuần nên hoàn thành 2-3 đề thi thử gồm đề minh họa, đề theo chuyên đề, đề khảo sát của Sở GD&ĐT các tỉnh/thành, đề thi chính thức của các năm trước, đề thi thử của các trường chuyên, đề thầy cô biên soạn...
Khi luyện đề, các sĩ tử cần phân tích kỹ từng câu, rèn kỹ năng giải quyết nhanh, chính xác, tránh mất điểm ở những câu dễ. Sau mỗi đề cần chữa cẩn thận từng câu sai, xác định nguyên nhân sai do đâu? Học sinh nên áp dụng chu trình: Làm đề - chấm điểm - phân loại lỗi - ghi chú - ôn lại những lỗi sai - làm đề mới.
Không chỉ vậy, học sinh có thể tận dụng các ứng dụng học tập trực tuyến như: Azota, Moon, OLM, Quizizz để luyện đề, kiểm tra kiến thức. Học nhóm bạn học cùng mục tiêu để trao đổi kiến thức, chữa bài cho nhau; sử dụng tài liệu PDF, sơ đồ tư duy online để tra cứu nhanh và ôn tập thuận tiện trên máy tính/điện thoại riêng cho việc học, tránh bị phân tâm.
"Các em cần chủ động hỏi thầy cô về phương pháp học tập từng chuyên đề, các mẹo làm bài thi nhanh và chính xác, nhờ giáo viên/anh chị đi trước hướng dẫn cách chữa đề hiệu quả và chia sẻ kinh nghiệm thực chiến phòng thi. Đồng thời mô phỏng các buổi thi thử nghiêm túc, đúng thời gian quy định; rèn tâm lý ổn định trước áp lực thời gian, đề thi khó; giữ nhịp sinh học ổn định, ăn ngủ điều độ; duy trì tinh thần học tập chủ động" - cô Nguyễn Thị Lời trao đổi thêm.
Đình Tuệ