Lý do CEO Snap làm khó nhân viên ngay ngày đầu đi làm

Lý do CEO Snap làm khó nhân viên ngay ngày đầu đi làm
một ngày trướcBài gốc
Ấn tượng ban đầu rất quan trọng và đôi khi ngày đầu tiên đi làm của một người sẽ quyết định thái độ của họ trong suốt thời gian còn lại ở tổ chức. Đó là lý do tỷ phú Evan Spiegel - nhà đồng sáng lập, CEO của Snap cố tình gây khó dễ và tạo ra một trải nghiệm "kinh hoàng" cho nhân viên mới của mình ngay ngày đầu họ đặt chân đến công ty.
Tỷ phú Evan Spiegel - nhà đồng sáng lập, CEO của Snap
Cụ thể, Spiegel sẽ giao cho các nhân viên mới trong nhóm thiết kế của mình một nhiệm vụ hết sức khó khăn ngay ngày đầu làm việc. Thay vì làm quen với môi trường mới một cách nhẹ nhàng bằng việc tham quan văn phòng hay giải quyết giấy tờ, họ được cho vài phút để động não rồi thuyết trình một ý tưởng hoàn toàn mới trước cả nhóm.
Đối với hầu hết nhân viên mới đi làm ngày đầu tiên, việc bị yêu cầu chuẩn bị một bài thuyết trình ngay lập tức chẳng khác nào cơn ác mộng. Tâm lý chung thường thấy là sợ hãi viễn cảnh thất bại và tạo ấn tượng không tốt trước cả nhóm. Tuy nhiên, việc làm cho người mới trải qua những cảm xúc này lại chính là mục đích của Spiegel.
"Chúng tôi có các buổi phê bình thiết kế mỗi tuần một lần trong vài giờ đồng hồ. Vào ngày đầu tiên, bạn phải trình bày một cái gì đó... Tất nhiên, vào ngày đầu tiên, khi bạn không biết công ty đang làm gì và cũng không có chút manh mối nào về những gì đang diễn ra thì làm thế nào có thể nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời được cơ chứ? Ý tôi là, điều đó gần như không thể", Spiegel nói.
Theo CEO của Snap, cách làm này của ông có vẻ không công bằng, nhưng lại giúp xây dựng nền tảng cho sự sáng tạo và tư duy phản biện mà các nhân viên cần thiết phải có để thành công tại công ty. Nó cũng giúp người mới nhanh chóng vượt qua nỗi sợ thất bại và khuyến khích họ chấp nhận nhiều rủi ro liên quan đến công việc hơn.
Do đó, dù các ý tưởng được trình bày thường không đạt yêu cầu, Spiegel vẫn làm điều này vì mục tiêu chính của thử thách là giúp nhân viên mới nhanh chóng cởi bỏ vỏ bọc che đậy nỗi sợ thất bại và mở ra cánh cửa của sự sáng tạo. Hơn nữa, thử thách này cũng giúp mọi người xây dựng sự tự tin và khả năng phục hồi tinh thần, đồng thời đóng vai trò như hoạt động gắn kết các nhân viên.
"99% ý tưởng là không tốt, nhưng 1% còn lại thì có. Chúng tôi tâm niệm rằng cách tốt nhất để có một ý tưởng hay là phải có thật nhiều ý tưởng. Do đó, nhóm liên tục đề xuất các ý tưởng, sản phẩm và tính năng... Công việc của chúng tôi là cố gắng tìm ra những ý tưởng tuyệt vời", vị tỷ phú công nghệ chia sẻ.
Nỗi sợ hãi tệ nhất của bạn đã trở thành sự thật khi chúng ta ngồi đó cùng nhau và xem xét một ý tưởng không tuyệt vời lắm. Ý tôi là, đôi khi chúng khá tốt, nhưng cuối cùng thì không tuyệt vời đến vậy. Bản thân tôi cho rằng điều đó giúp mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo vì nó đã xảy ra rồi. Bạn đã thất bại rồi.
Evan Spiegel - Nhà đồng sáng lập, CEO của Snap
3 yếu tố mà CEO Snap tìm kiếm ở nhân viên
Việc muốn nhân viên sớm cởi bỏ nỗi sợ và mở ra cánh cửa của sự sáng tạo ăn khớp với góc nhìn của Spiegel về một ứng viên mà Snap muốn tuyển dụng. Theo đó, có 3 giá trị đơn giản giúp phân biệt một ứng viên tốt với một ứng viên xuất sắc, đó là sự tử tế, thông minh và sáng tạo. Trong 3 yếu tố này, sự tử tế là quan trọng hơn cả.
"Theo thời gian, chúng tôi nhận ra rằng sự tử tế thực sự là yếu tố thiết yếu nếu muốn có một văn hóa sáng tạo. Bởi việc thể hiện sự tử tế sẽ tạo ra tiền đề cho một môi trường nơi các ý tưởng sáng tạo có thể được nói ra mà không sợ bị chế nhạo hay coi thường", Spiegel nói.
Tuy nhiên, vị CEO cũng nói rõ, việc chỉ tỏ ra dễ mến không đồng nghĩa với sự tử tế. Ví dụ, nếu ai đó bị dính gì đó trên răng, một người dễ mến có thể sẽ lờ nó đi để tránh làm bạn khó xử.
Ngược lại, một người tử tế sẽ chỉ ra điều đó một cách khéo léo để bạn không phải xấu hổ trước những người khác. Nguyên tắc này cũng đúng với môi trường công sở vì sẽ có sự khác biệt rõ ràng trong cách hành xử khi một đồng nghiệp gặp khó khăn.
Theo Spiegel, sự tử tế thực sự là yếu tố thiết yếu nếu muốn có một văn hóa sáng tạo
Theo Spiegel, việc tìm kiếm người cân bằng được cả 3 yếu tố nói trên ngày một khó khăn hơn, bởi xã hội hiện đại quá tập trung vào việc đo lường hiệu suất công việc. "Sự sáng tạo vốn rất đáng giá, nên tôi cho rằng rất khó để có thể tìm thấy sự tận tâm đầu tư vào việc nuôi dưỡng sự sáng tạo khi kết quả của nó không hề rõ ràng" ông nói.
Việc nuôi dưỡng một môi trường sáng tạo - nơi mọi người cảm thấy bản thân họ được chào đón và đủ an toàn để có thể bày tỏ ý tưởng là một phần lý do giúp Snap tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ lớn như Instagram và TikTok. Năm 2024, lượng người dùng hoạt động hằng ngày của Snap đã tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt con số ấn tượng 453 triệu người.
Vượt qua nỗi sợ thất bại ngay ngày đầu đi làm là cả một thách thức, đặc biệt khi có sự chứng kiến của nhiều đồng nghiệp mới. Dù có bị đặt trong tình huống khó khăn như tại Snap hay không, bạn vẫn có thể giảm bớt sự lo lắng trong ngày đầu đi làm bằng cách chuẩn bị trước.
Bất luận nhân viên mới hay lâu năm, để có thể tạo ra tác động tích cực cho tổ chức, bạn nhất định phải hiểu sứ mệnh của công ty và những gì bản thân có thể đóng góp để làm tốt vai trò của mình. Vì vậy, hãy trao đổi với người quản lý tuyển dụng về kỳ vọng và văn hóa doanh nghiệp trong quá trình phỏng vấn, hoặc gửi email thu thập thông tin, lưu ý trước ngày làm việc đầu tiên. Theo cách này, dù được yêu cầu phải trình bày một ý tưởng mới ngay trong ngày đầu, bạn cũng không bỡ ngỡ.
Bảo Quân
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/ly-do-ceo-snap-lam-kho-nhan-vien-ngay-ngay-dau-di-lam-317046.html