Theo ông Đặng Văn Sinh, thôn Vằng Bó, xã Đôn Phong thì gia đình chỉ còn 02 bao thóc để ăn, trong khi gia đình thuộc diện khó khăn.
Trong căn nhà gỗ rộng khoảng hơn 30m2, tài sản giá trị nhất là chiếc xe máy cũ, ông Đặng Văn Sinh, thôn Vằng Bó, xã Đôn Phong cho biết: Gia đình tôi là một trong 02 hộ thuộc diện khó khăn, có tham gia hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy của thôn, được thôn họp bàn và lựa chọn lập danh sách gửi lên xã để hỗ trợ gạo. Tuy nhiên, đến nay đã một năm rồi nhưng chưa thấy nhận được gạo. Hiện nay, gia đình có 04 nhân khẩu nhưng chỉ còn hai bao thóc, nguy cơ thiếu gạo ăn trong thời gian tới. Cuộc sống gia đình hiện nay chủ yếu dựa vào việc đi làm thuê nhưng công việc cũng bấp bênh, gia đình rất mong nhận được gạo của Nhà nước hỗ trợ.
Một góc căn nhà ông Đặng Văn Sinh, nơi ở của 03 thành viên trong gia đình.
Gia đình ông Hoàng Văn Xuân, thôn Nà Đán cùng xã cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Xuân chia sẻ: Gia đình hiện có 03 nhân khẩu, không có ruộng, chỉ có đất đồi trồng cây khoảng 7ha, nhưng phần lớn thuộc diện tích rừng tự nhiên khoán khoanh nuôi bảo vệ nên không được chặt phát để trồng rừng. Gia đình cũng nằm trong danh sách các hộ gia đình được trợ cấp gạo vì khó khăn, niêm yết công khai tại xã từ tháng 4/2024 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được gạo. Gia đình mong muốn sớm nhận được gạo hỗ trợ của Nhà nước để vơi bớt khó khăn.
Theo ông Hoàng Văn Xuân, thôn Bản Đán, xã Đôn Phong, năm 2023 gia đình vay mượn hơn 300 triệu đồng để làm căn nhà cấp 4. Đến nay còn nợ hơn 100 triệu đồng, trong khi gia đình không có đất ruộng để sản xuất, canh tác.
Theo danh sách UBND xã Đôn Phong cung cấp, địa phương đã rà soát, lập danh sách các hộ đủ điều kiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền và gửi UBND huyện Bạch Thông từ tháng 5/2024 để xem xét, phê duyệt. Toàn xã có 09 hộ dân với hơn 30 nhân khẩu ở các thôn Lủng Lầu, Nà Váng, Bản Chiêng, Nà Đán và Vằng Bó. Các hộ này đều thuộc diện khó khăn, là đồng bào dân tộc thiểu số có tham gia hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy. Đến nay, tất cả các hộ dân này vẫn chưa nhận được gạo hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết: Trong năm 2024, UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, lập danh sách các hộ theo tiêu chuẩn quy định và gửi về UBND huyện; UBND huyện đã phê duyệt danh sách trong tháng 2/2025, theo đó toàn huyện có 45 hộ với 148 nhân khẩu.
Ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông trao đổi về việc hỗ trợ gạo cho người dân.
Các xã lập danh sách gửi lên để UBND huyện phê duyệt theo quy định chung là: Hộ gia đình nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại xã khu vực II và III thực hiện bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Mức trợ cấp gạo cho hộ gia đình thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy trong năm căn cứ vào diện tích trồng rừng thực tế và thời gian chưa tự túc được lương thực không quá 6 tháng nhưng tối đa không quá 450kg/năm.
Ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết thêm về những chỉ đạo của huyện để thực hiện việc này trong thời gian tới.
Cũng theo ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện: Hiện nay, huyện đang chờ HĐND tỉnh họp thông qua Nghị quyết do UBND tỉnh trình về nội dung này, từ đó có căn cứ phân bổ nguồn vốn về huyện thì huyện sẽ tiến hành triển khai cho các xã thực hiện cấp gạo cho người dân ngay.
Đối với các hộ thuộc diện nghèo, khó khăn có nguy cơ thiếu gạo, huyện sẽ chỉ đạo các xã rà soát thống kê danh sách gửi lên huyện để sử dụng nguồn vốn dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời hỗ trợ người dân, không để bà con thiếu gạo ăn, nhất là khi giáp hạt./.
Đình Văn
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/ly-do-chua-cap-gao-cho-nguoi-dan-thuoc-dien-ho-tro-bao-ve-rung-o-bach-thong-post70664.html