Núi Spurr, một ngọn núi lửa cao khoảng 3.350 mét, nằm cách Anchorage, Alaska khoảng 124 km.
Băng tan có thể châm ngòi loạt phun trào quy mô lớn
Một ngọn núi lửa đang phun trào thực sự là một biểu hiện mãnh liệt của tự nhiên: dung nham, tro bụi và khí từ sâu trong lớp manti Trái Đất trồi lên bề mặt, có thể chảy tràn qua các khe nứt hoặc bất ngờ bùng nổ lên không trung.
Những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến nhiều vụ phun trào núi lửa nổi bật, trong đó có các vụ tại Ý và Indonesia.
Hiện nay, các chuyên gia cảnh báo rằng hàng trăm núi lửa đang trong trạng thái ngủ yên trên khắp thế giới có thể trở nên hoạt động trở lại và phun trào do tác động của biến đổi khí hậu.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), hiện tượng băng tan do khí hậu ấm lên đang âm thầm tạo điều kiện cho các vụ phun trào núi lửa diễn ra thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Các khu vực như Bắc Mỹ, New Zealand và Nga có thể nằm trong diện rủi ro cao, theo nhóm nghiên cứu.
“Các sông băng có xu hướng làm giảm khối lượng phun trào từ các núi lửa nằm bên dưới,” ông Pablo Moreno-Yaeger, một trong những tác giả nghiên cứu, giải thích. “Tuy nhiên, khi băng tan do biến đổi khí hậu, kết quả của chúng tôi cho thấy các núi lửa này sẽ phun trào thường xuyên hơn và dữ dội hơn.”
Áp lực băng tan giải phóng hồ magma dưới lòng đất
Nhóm của ông Moreno-Yaeger đã sử dụng kỹ thuật định tuổi bằng argon và phân tích tinh thể tại 6 ngọn núi lửa ở miền nam Chile, gồm núi lửa hiện đang ngủ Mocho-Choshuenco, để tìm hiểu cách mà băng hà Patagon ảnh hưởng đến hoạt động núi lửa trong quá khứ.
Họ phát hiện trong giai đoạn đỉnh điểm của Kỷ Băng Hà cuối cùng – khoảng 26.000 đến 18.000 năm trước – lớp băng dày đã kìm hãm khối lượng phun trào, cho phép tích tụ một hồ magma lớn ở độ sâu lên đến 15 km bên dưới bề mặt.
Tuy nhiên, khi lớp băng tan nhanh chóng vào cuối kỷ băng hà, sự mất áp đột ngột đã khiến lớp vỏ Trái Đất “giãn nở”, làm các khí trong magma phình ra.
Chính sự gia tăng áp lực này đã kích hoạt các vụ phun trào núi lửa dữ dội từ các hồ magma sâu.
Siêu núi lửa Yellowstone là một hồ chứa magma khổng lồ, có khả năng gây ra một vụ phun trào dữ dội.
Núi lửa phun trào có thể gây ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng hoạt động núi lửa gia tăng có thể gây ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu.
Trong ngắn hạn, các vụ phun trào giải phóng aerosol có thể làm mát Trái Đất tạm thời, như đã thấy sau vụ phun trào núi lửa Pinatubo năm 1991 tại Philippines, khi nhiệt độ toàn cầu giảm khoảng 0,5 độ C.
Tuy nhiên, nếu xảy ra nhiều vụ phun trào, tác động có thể đảo ngược.
“Về lâu dài, tác động tích lũy của nhiều vụ phun trào có thể góp phần làm Trái Đất ấm lên do sự tích tụ khí nhà kính,” ông Moreno-Yaeger nói.
Ông cho rằng điều này tạo ra một vòng phản hồi, trong đó băng tan kích hoạt phun trào, và các vụ phun trào lại có thể góp phần làm khí hậu nóng hơn và tiếp tục làm tan băng.
Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Goldschmidt tổ chức tại Praha.
Theo Daily Mail
Hải Yến