Lý do đại gia ngành thép không lo ngại thuế nhập khẩu Mỹ?

Lý do đại gia ngành thép không lo ngại thuế nhập khẩu Mỹ?
9 giờ trướcBài gốc
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức sáng 25-4 vừa qua, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) cho biết, về vấn đề thuế nhập khẩu Mỹ, công ty khẳng định không bị ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh.
Ông Quang thông tin; "Từ tháng 9-2024, khi Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, Nam Kim đã chủ động ngừng xuất khẩu sang thị trường này từ tháng 10-2024 đến nay. Thị trường xuất khẩu Mỹ trước đó chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng của công ty.
Mức độ ảnh hưởng của thuế nhập khẩu Mỹ đối với Nam Kim được đánh giá là không lớn, bởi kết thúc năm 2024, Nam Kim báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt 558 tỷ đồng, tăng gần 215% so với cùng kỳ".
Ông Quang nhận định thị trường thép hiện đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, một yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp thép trong nước là việc Việt Nam gần đây đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo sân chơi công bằng hơn, giúp các công ty thép nội địa giảm bớt sức ép cạnh tranh từ nguồn cung giá rẻ.
"Tuy nhiên, để duy trì tăng trưởng tốt hơn, Nam Kim thực thi chiến lược sản xuất các sản phẩm cho ngành sản xuất, máy móc và linh kiện ô tô. Đây là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, và hiện ít doanh nghiệp nội địa đầu tư mạnh. Đồng thời, Nam Kim sẽ tập trung mở rộng thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với mục tiêu tiến sâu vào chuỗi giá trị mảng tôn mạ tại thị trường châu Âu và Bắc Mỹ", ông Quang chia sẻ.
Nhiều đại gia thép tự tin tăng trưởng kinh doanh bằng chiến lược tập trung mở rộng thị trường nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Theo Công ty chứng khoán KBSV, xu hướng nội địa hóa của các công ty thép đã diễn ra từ đầu nửa đầu năm 2024, sau khi xuất hiện thông tin về việc Mỹ khởi xướng các cuộc điều tra chống bán phá giá thép. Xu hướng này được hỗ trợ nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước hồi phục, với động lực chính đến từ sự ấm lên của thị trường bất động sản dân dụng và việc tiếp tục triển khai các dự án đầu tư công.
"Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thép với thị phần nội địa lớn sẽ có lợi thế trong việc duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tập trung mở rộng sang các thị trường mới, đối với các khu vực chưa áp dụng hàng rào thuế quan với thép Việt Nam để duy trì sản lượng tiêu thụ", KBSV nhận định.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu của Hòa Phát hiện tại chỉ chiếm khoảng 20%. Với tỷ trọng này, so với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu chiếm phần lớn doanh thu, những biến động trên thị trường quốc tế, bao gồm các vấn đề về thuế nhập khẩu Mỹ, được đánh giá sẽ không tác động quá lớn đến kết quả kinh doanh chung của Hòa Phát.
"Về chiến lược xuất khẩu, Hòa Phát chủ trương duy trì tỷ trọng dưới 20% tổng doanh thu nhằm đảm bảo sự ổn định và giảm thiểu rủi ro trước những biến động khó lường của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong năm 2024, do tình hình thị trường trong nước gặp nhiều thách thức và cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ, Hòa Phát đã linh hoạt điều chỉnh, nâng tỷ lệ xuất khẩu lên tới 31% như một giải pháp ứng phó tạm thời.
Hiện tại, Hòa Phát đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu thị trường đa dạng này mang lại lợi thế lớn cho Hòa Phát, giúp công ty có đủ thời gian để điều chỉnh chiến lược và xoay chuyển khi có biến động tại một khu vực cụ thể", ông Trần Đình Long cho biết.
PHƯƠNG MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/ly-do-dai-gia-nganh-thep-khong-lo-ngai-thue-nhap-khau-my-post846469.html