Máy điều hòa không khí được lắp đặt bên ngoài một tòa nhà chung cư ở Madrid. Ảnh: Getty images
Một đợt nắng nóng khắc nghiệt đã đổ bộ ở nhiều nơi tại châu Âu, khiến hàng triệu người phải vật lộn để thích nghi với nhiệt độ khắc nghiệt kỷ lục. Nhiệt độ vẫn duy trì nắng nóng ngay cả vào ban đêm.
Dù thời tiết nắng nóng như vậy nhưng điều hòa không khí lại rất hiếm khi xuất hiện trong các ngôi nhà ở châu Âu. Nhiều người dân phải chống chọi với cái nóng thiêu đốt bằng quạt điện, túi chườm đá và vòi sen nước lạnh.
Châu Âu không tiếp cận ứng phó với nhiệt độ cao theo cùng một cách như Mỹ trong lịch sử. Trong khi khoảng 90% ngôi nhà ở Mỹ đều có điều hòa không khí, thì ở châu Âu, tỷ lệ này chỉ khoảng 20% và một số quốc gia có tỷ lệ thấp hơn nhiều.
Tại Vương quốc Anh, khoảng 5% ngôi nhà có hệ thống làm mát, trong số đó nhiều ngôi nhà có điều hòa không khí di động. Ở Đức, con số này chỉ 3%.
Khi biến đổi khí hậu gây ra các đợt nắng nóng nghiêm trọng và kéo dài, đồng thời xuất hiện ngày càng sớm hơn, một số người đang đặt câu hỏi tại sao các nước châu Âu giàu có dường như lại miễn cưỡng sử dụng điều hòa không khí, đặc biệt là khi nhiệt độ ngày càng nóng hơn.
Thói quen lâu dài
Trong lịch sử, nhiều quốc gia ở châu Âu ít có nhu cầu cần làm mát, đặc biệt là ở khu vực phía bắc. Nắng nóng có xảy ra nhưng hiếm khi đạt đến ngưỡng nhiệt cao kéo dài, giống như châu Âu đang phải đối mặt hiện tại.
“Ở châu Âu, chúng tôi đơn giản là không có truyền thống sử dụng máy điều hòa không khí… bởi vì không có nhu cầu lớn”, Brian Motherway, người đứng đầu Văn phòng Hiệu quả Năng lượng và Chuyển đổi Toàn diện tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết.
Theo truyền thống, điều hòa không khí được xem là thứ xa xỉ, mà không phải là đồ dùng thiết yếu, đặc biệt là khi quá trình lắp đặt và vận hành khá tốn kém. Chi phí năng lượng ở nhiều nước châu Âu cao hơn ở Mỹ, trong khi thu nhập có xu hướng thấp hơn.
Giá năng lượng đã tăng cao hơn nữa kể từ năm 2022, thời điểm EU từng bước loại bỏ dần sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Mặc dù giá đã ổn định kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng đầu tiên vào năm 2022, nhưng chi phí cung cấp điện cho một chiếc điều hòa vẫn có thể nằm ngoài khả năng chi trả của nhiều người châu Âu.
Tiếp theo là yếu tố kiến trúc.
Một số tòa nhà ở các quốc gia Nam Âu được xây dựng để chống nóng. Kiến trúc tòa nhà thường có tường dày, cửa sổ nhỏ ngăn ánh nắng chiếu vào bên trong và được thiết kế để tối đa hóa luồng không khí. Thiết kế này đã giúp các tòa nàh mát hơn và giảm nhu cầu làm mát nhân tạo.
Trong khi đó, ở những khu vực khác tại châu Âu, nhà cửa không được thiết kế với mục đích giải nhiệt.
“Chúng tôi không có thói quen… nghĩ về cách làm mát vào mùa hè. Đây thực sự là xu hướng tương đối mới”, Motherway cho biết.
Các tòa nhà thường có xu hướng cũ hơn, được xây dựng trước khi công nghệ điều hòa trở nên phổ biến. Tại Anh, nơi vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, cứ sáu ngôi nhà thì có một ngôi được xây dựng trước năm 1900.
Ông Motherway cho biết việc trang bị hệ thống làm mát trung tâm cho những ngôi nhà cũ có thể khó khăn hơn, mặc dù không phải là không thể.
“Đôi khi vấn đề lớn hơn là thủ tục hành chính. Chính quyền Vương quốc Anh thường từ chối các đơn xin lắp đặt điều hòa, đặc biệt là ở các khu bảo tồn”, Richard Salmon, Giám đốc của Công ty Điều hòa Không khí có trụ sở tại Vương quốc Anh cho biết.
Ngoài ra còn nằm ở góc độ chính sách. Châu Âu đã cam kết trở thành điểm đến "trung hòa khí hậu" vào năm 2050 và sự gia tăng mạnh mẽ của máy điều hòa không khí sẽ khiến các cam kết về khí hậu thậm chí còn khó đạt được hơn.
Máy điều hòa không khí không chỉ ngốn năng lượng mà còn đẩy nhiệt ra bên ngoài.
Một nghiên cứu xem xét việc sử dụng máy điều hào ở Paris cho thấy chúng có thể làm tăng nhiệt độ bên ngoài từ khoảng 2 đến 4 độ C (3,6 đến 7,2 độ F). Tác động này đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố đông đúc của Châu Âu.
Mối quan tâm đang thay đổi
Tuy nhiên, thái độ và mối quan tâm của người dân xung quanh vấn đề điều hòa không khí ở Châu Âu đang thay đổi khi lục địa này trở thành điểm nóng về khí hậu, với tốc độ gấp đôi so với phần còn lại của thế giới.
Lục địa này đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: sử dụng điều hòa không khí tiêu tốn nhiều năng lượng, trong đó có những tác động tiêu cực mà khí hậu mang lại, hoặc tìm những cách thay thế khác để đối phó với tương lai ngày càng nóng hơn.
Thực tế là tư duy xung quanh điều hòa không khí chắc chắn sẽ thay đổi ở châu Âu, đặc biệt khi nhiệt độ cực cao, và tác động đến sức khỏe, Motherway của IEA cho biết.
MINH DƯƠNG