Lý do Elon Musk quyết tâm rút lui khỏi chính trường, trở lại với giấc mơ sao Hỏa và ô tô tự hành

Lý do Elon Musk quyết tâm rút lui khỏi chính trường, trở lại với giấc mơ sao Hỏa và ô tô tự hành
7 giờ trướcBài gốc
Cách đây khoảng một năm, tỷ phú Musk đã âm thầm triệu tập một nhóm chiến lược gia và người thân tín trong đảng Cộng hòa tại căn hộ ở Austin của ông để bàn về kế hoạch hỗ trợ Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.
Ông Musk đã thực hiện nhiều hành động mạnh mẽ, bao gồm việc triển khai các chương trình của Ban Hiệu suất chính phủ Mỹ (DOGE), nhằm thúc đẩy sa thải nhân sự và cắt giảm ngân sách trên diện rộng. Đồng thời, ông cũng chi tiêu đáng kể cho chính trị, với khoản đầu tư ít nhất 288 triệu USD vào cuộc bầu cử năm 2024.
Tuy nhiên, phản ứng dữ dội từ công chúng, đặc biệt là từ các khách hàng chủ yếu thuộc đảng Dân chủ, cùng làn sóng chỉ trích và các vụ biểu tình tại cơ sở của Tesla đã khiến Musk quyết định rút lui. "Tôi nghĩ mình đã làm đủ rồi", ông nói.
Theo Washington Post, những người thân cận với Elon Musk cho biết ông ngày càng lo lắng về an toàn cá nhân và gia đình, cũng như thất vọng về mức độ ảnh hưởng thực sự mà tài chính cá nhân có thể mang lại trong bối cảnh chính trị phức tạp. Điều này thôi thúc ông trở lại với hai công ty do mình sáng lập và điều hành là Tesla và SpaceX. Đây cũng là thời điểm quan trọng khi Tesla chuẩn bị ra mắt mẫu xe hoàn toàn tự hành trong tháng 6 và SpaceX sẵn sàng thử nghiệm tên lửa Starship thế hệ tiếp theo.
Tỷ phú Musk từng tuyên bố tại Diễn đàn kinh tế Qatar rằng ông sẽ chỉ tiếp tục đóng góp tài chính cho các chiến dịch chính trị nếu có lý do rõ ràng. Trong nội bộ, ông được cho là đang mất dần niềm tin vào hiệu quả của đầu tư chính trị, và muốn tập trung thời gian, nguồn lực vào các sứ mệnh dài hạn.
Mặc dù ban đầu ông kỳ vọng DOGE do mình khởi xướng sẽ giúp tiết kiệm 2 nghìn tỉ USD cho ngân sách Mỹ, nhưng ước tính gần đây chỉ dừng lại ở mức 160 tỉ USD cho năm tài chính 2026. Trong khi đó, chương trình nghị sự về thuế và nhập cư của Tổng thống Trump, được Hạ viện thông qua, dự kiến sẽ làm gia tăng nợ quốc gia thêm 2,4 nghìn tỉ USD trong 10 năm tới.
Một số người trong cuộc cho biết Musk đã không lường trước được mức độ phản ứng tiêu cực và áp lực công kích nhắm vào ông và các công ty của mình. DOGE, chương trình cải cách mạnh tay của ông, kéo theo làn sóng phản ứng toàn cầu, từ biểu tình đến các vụ bạo lực như ném bom xăng hay phá hoại trạm sạc.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Tesla công bố lợi nhuận quý đầu tiên giảm 71%, doanh số lao dốc, còn mức độ tín nhiệm cá nhân của Musk cũng tụt giảm. Một cuộc thăm dò do Washington Post - ABC News - Ipsos thực hiện cho thấy chỉ 35% người Mỹ chấp thuận cách Musk xử lý công việc trong chính quyền Trump.
Thất bại trong cuộc bầu cử tòa án tối cao bang Wisconsin, nơi ông Musk đổ hàng chục triệu USD ủng hộ ứng viên bảo thủ Brad Schimel, đã khiến nhiều thành viên đảng Cộng hòa đặt câu hỏi về tác động thực sự của Musk đối với cử tri. Kết quả thua 10 điểm trước ứng viên Dân chủ Susan Crawford được xem là thất bại nặng nề.
Bối cảnh này dẫn đến việc Musk tuyên bố ngừng tài trợ chính trị, đánh dấu bước lùi đáng kể trong chiến lược tranh cử của Đảng Cộng hòa. Một cố vấn tại Pennsylvania bình luận rằng Musk đơn giản là đang kiệt sức và cần tái tập trung năng lượng.
Trọng tâm mới của ông xoay quanh hai dự án lớn gồm ra mắt mẫu xe tự hành hoàn toàn và tiếp tục chương trình không gian với tham vọng đặt chân lên sao Hỏa vào năm 2026. Tesla đang trong giai đoạn chuẩn bị tung ra xe tự lái thuộc dòng Model Y, trong khi Cybercab, mẫu xe điện không vô lăng trị giá 30.000 USD, dự kiến ra mắt trong vài năm tới.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. Cục Quản lý an toàn giao thông đường bộ Quốc gia Mỹ gần đây đã gửi yêu cầu Tesla cung cấp thông tin về cách họ đánh giá và triển khai công nghệ tự lái trên đường công cộng.
Ở nội bộ công ty, một số nhân viên bày tỏ sự bất mãn. Cựu quản lý Matthew LaBrot, người bị sa thải sau khi lập trang web kêu gọi Musk từ chức, cho rằng danh tiếng của Musk, chứ không phải sự vắng mặt của ông, mới là nguyên nhân chính gây tổn hại cho Tesla.
Bên cạnh đó, SpaceX vẫn tiếp tục vận hành hiệu quả dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Gwynne Shotwell. Musk tuyên bố sẽ trực tiếp tới Starbase, căn cứ phóng của SpaceX ở Nam Texas, để công bố kế hoạch cụ thể cho sứ mệnh sao Hỏa. Tên lửa Starship, phương tiện lớn và mạnh nhất từng được chế tạo, dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm mới trong thời gian tới.
Cho đến nay, SpaceX đã phóng hơn 1.000 vệ tinh cho hệ thống Internet Starlink, hỗ trợ mở rộng mạng lưới kết nối ở các vùng nông thôn Mỹ và quốc tế. Đồng thời, công ty cũng hoàn thành nhiều sứ mệnh đưa phi hành gia đến và đi từ Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) cho NASA.
Trong khi Trung Quốc lên kế hoạch đưa phi hành gia lên mặt trăng trước năm 2030, quốc hội Mỹ lo ngại Bắc Kinh có thể về đích trước Washington. Đây cũng là một trong những lý do khiến Musk tăng tốc hoạt động tại SpaceX, hướng tới mục tiêu xa hơn: Sao Hỏa.
Elon Musk từ lâu đã đặt tham vọng biến hành tinh đỏ thành nơi sinh sống của con người. Việc phóng một hạm đội Starship đến sao Hỏa vào năm 2026 khi khoảng cách giữa hai hành tinh ở mức gần nhất, được ông xem là cột mốc quan trọng cần đạt.
Việc Musk quay trở lại toàn lực với SpaceX không chỉ giúp công ty giữ đà phát triển, mà còn là tuyên ngôn rõ ràng về việc định hình lại ưu tiên cá nhân từ chính trị quay về với khám phá không gian và đổi mới công nghệ.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/ly-do-elon-musk-quyet-tam-rut-lui-khoi-chinh-truong-tro-lai-voi-giac-mo-sao-hoa-va-o-to-tu-hanh-232986.html