Lý do Fed vẫn 'án binh bất động' bất chấp sức ép từ ông Trump

Lý do Fed vẫn 'án binh bất động' bất chấp sức ép từ ông Trump
11 giờ trướcBài gốc
Quyết định không bất ngờ
Bất chấp áp lực từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25- 4,5% sau khi kết thúc cuộc họp chính sách hôm 7/5 (giờ Mỹ).
Giới chuyên gia cho rằng việc Fed chọn cách “án binh bất động” là giải pháp an toàn trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu tác động từ chính sách thuế quan quyết liệt của Tổng thống Trump cùng với các dữ liệu kinh tế trái chiều.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 3/2025 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh:Higherrockeducation
Trước đó, giới tài chính Phố Wall gần như đồng thuận rằng Fed sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ trong tháng 5. Và đúng như dự báo của thị trường, giới chức Fed tiếp tục chờ đợi sự rõ ràng hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế trước những rủi ro từ chính sách thương mại khó lường của Nhà Trắng. Đồng thời, Fed lần đầu tiên thừa nhận rủi ro lạm phát có thể dai dẳng hơn dự kiến trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng có khả năng nhích lên - 2 mảnh ghép hoàn hảo của bức tranh đình lạm.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Ngân hàng Trung ương Mỹ cần "chờ thêm tín hiệu rõ ràng" từ các dữ liệu kinh tế. Tuy nhiên, những dữ liệu kinh tế mà Fed nhận được trước cuộc họp tuần này cho thấy những tín hiệu trái chiều: giá cả có dấu hiệu hạ nhiệt, song chưa đủ để yên tâm; thị trường việc làm ổn định, trong khi rủi ro suy thoái vẫn rình rập do chịu tác động tiêu cực từ gói thuế đối ứng được ông Trump thông báo hồi đầu tháng 4.
Theo báo cáo mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của Mỹ đã giảm về 2,3% - mức thấp nhất kể từ năm 2021 và tiệm cận mục tiêu 2% của Fed. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, lạm phát vẫn “dai dẳng” ở một số lĩnh vực và có nguy cơ bật tăng trở lại nếu giá hàng hóa bị đẩy lên do chính sách thuế quan mới.
Ông Chris Brigati, Giám đốc đầu tư tại SWBC, nhận định: “Lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn mức mục tiêu, chưa đủ điều kiện để Fed giảm lãi suất”.
Kể từ đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1, Tổng thống Trump đã áp thuế lên tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đẩy thuế suất trung bình hiệu quả của Mỹ lên 28% - mức cao nhất kể từ năm 1901. Bắc Kinh đã trả đũa bằng mức thuế 125% với hàng hóa Mỹ, đẩy căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên mức cao chưa từng có kể từ giai đoạn 2018–2019.
Chính sách thuế quan vừa gây áp lực tăng giá (do chi phí nhập khẩu cao hơn), vừa đe dọa làm tăng trưởng chậm lại và giảm việc làm, các yếu tố dẫn đến nguy cơ đình lạm trong năm nay.
Chuyên gia kinh tế Gisela Young (Citigroup) phân tích: “Thuế quan là yếu tố khó xử nhất cho Fed, vì chúng làm tăng rủi ro lạm phát, trong khi cũng có thể kéo giảm tăng trưởng và việc làm. Không có phản ứng chính sách tiền tệ nào đơn giản có thể xử lý hai mặt mâu thuẫn này”
Trong khi đó, thị trường lao động vẫn vững vàng - yếu tố quan trọng giúp Fed có thể kiên nhẫn chờ đợi mà không vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ. Báo cáo việc làm tháng 4 cho thấy kinh tế Mỹ tạo thêm 177.000 việc làm, vượt dự báo của thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 4,2%.
Chính vì thế, một số chuyên gia nhận định Fed đang cố gắng kéo dài thời gian để không ra quyết định quá sớm trong một môi trường quá bất định. “Nếu dữ liệu kinh tế trở nên xấu đi rõ rệt, Fed sẽ chuyển hướng sang ưu tiên bảo vệ việc làm, ngay cả khi điều đó khiến lạm phát tăng nóng”, ông Mike Sanders, Giám đốc đầu tư tại Madison Investments nhận định.
Fed sẽ hạ lãi suất vào cuối năm?
Theo dữ liệu từ CME FedWatch, thị trường đang đặt cược khoảng 70% khả năng Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 tới. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng Fed sẽ thực hiện ít nhất hai đợt cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nếu kinh tế bắt đầu suy yếu rõ rệt.
Một số chuyên gia kinh tế cũng dự đoán Fed sẽ tiếp tục “chờ đợi và quan sát” cho đến cuối năm, trong khi một số khác kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách vào mùa Hè năm nay.
Mặc dù vậy, với những chính sách thương mại khó đoán định từ Nhà Trắng, Fed đang ở thế khó để vừa có thể kiểm soát giá cả mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. “Tình hình thuế quan hiện nay quá bất ổn. Nếu Fed phản ứng quá sớm, có thể gây ra tác động ngoài ý muốn, hoặc thậm chí làm tình hình xấu thêm” - chuyên gia tài chính Chris Brigati tại SWBC cảnh báo.
Nguyễn Phương
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ly-do-fed-van-an-binh-bat-dong-bat-chap-suc-ep-tu-ong-trump.698407.html