Gần 600 nhãn sữa bột giả bày bán công khai suốt 4 năm nhưng không bị phát hiện. Ảnh: VTV.
Chiều 6/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có thông tin làm rõ nguyên nhân gần 600 nhãn sữa giả bán suốt 4 năm nhưng không bị phát hiện, xử lý.
Cụ thể, theo lãnh đạo Bộ Y tế, vụ việc sữa giả xảy ra thời gian qua là rất nghiêm trọng, đặc biệt vì các sản phẩm bị làm giả liên quan trực tiếp tới trẻ nhỏ và người bệnh, là những đối tượng cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
Lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm
"Đây là vấn đề vi phạm đạo đức kinh doanh rất nghiêm trọng, các tổ chức cá nhân đã vì lợi nhuận mà bất chấp, bắt tay nhau thiết lập thành đường đây có tổ chức để trục lợi trong thời gian dài", Thứ trưởng nói và cho biết các tổ chức, cá nhân này hoạt động rất tinh vi, thành lập ra nhiều công ty trong hệ sinh thái để phân chia sự chú ý của người tiêu dùng, đồng thời tự tạo ra danh tiếng cho các sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng.
Nêu lý do gần 600 nhãn sữa giả có thể tiêu thụ công khai trên thị trường suốt 4 năm, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, sản phẩm thực phẩm bổ sung được phép tự công bố, còn thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng trẻ em buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm.
Trong đó, chủ trương tự công bố nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, trong thực tế, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng cơ chế này để sản xuất, kinh doanh sản phẩm kém chất lượng", ông nói.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền địa phương tiến hành thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả. Đồng thời phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) xử lý, giải quyết theo quy định, khuyến cáo người dân không nên sử dụng 72 sản phẩm sữa đang được điều tra cho đến khi có kết luận cuối cùng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin về sữa giả, thuốc giả và quảng cáo thực phẩm chức năng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP, xây dựng cơ sử dữ liệu quốc gia về thực phẩm dinh dưỡng, tăng cường hậu kiểm, công khai thông tin đến người dân.
Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tăng chế tài xử phạt để xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn.
Siết hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng
Liên quan việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật thực phẩm chức năng, Thứ trưởng Thuấn thừa nhận tình trạng này diễn ra khá phổ biến, gây nhầm lẫn cho người dân.
Trong đó, một số hành vi phổ biến gồm quảng cáo TPCN khi chưa được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo; quảng cáo không phù hợp với nội dung đã được xác nhận; hoặc quảng cáo TPCN có công dụng như thuốc chữa bệnh; thậm chí quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm về bản chất; quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm.
Lãnh đạo cơ quan quản lý y tế cho biết từ năm 2022 đến nay, Bộ đã xử lý hàng chục vụ vi phạm, chuyến hàng trăm đường link vi phạm cho các cơ quan chức năng xử lý, thường xuyên gửi công văn cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để nhắc nhở, phối hợp xử lý vi phạm của diễn viên, người nổi tiếng trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, thực tế khi xử lý vi phạm hoạt động này còn gặp một số điểm khó khăn, vướng mắc như khó xác định đối tượng vi phạm trên môi trường Internet; các đối tượng tự thiết lập, vận hành website (chủ yếu là tên miền quốc tế) và không công khai danh tính để đăng tải thông tin quảng cáo vi phạm, do vậy không xác minh được chủ thể vi phạm, đặc biệt từ các máy chủ ở nước ngoài.
Để giải quyết những khó khăn này, ngoài việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử nghiêm các vi phạm liên quan đến quảng cáo TPCN, Bộ Y tế sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng hiệu rõ, tuân thủ các quy định pháp luật.
Đồng thời đẩy mạnh việc nâng cao đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo TPCN. Nâng cao nhận thức người dân về TPCN, tránh nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh.
"Bộ sẽ yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế, đội ngũ bác sĩ, dược sĩ tuân thủ các quy định đạo đức nghề nghiệp và không tham gia quảng cáo vi phạm pháp luật. Đây là trách nhiệm trước hết của đội ngũ cán bộ y tế đối với cộng đồng", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y Tế cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý website và mạng xã hội; Bộ Công Thương trong việc quản lý hoạt động thương mại điện tử; Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC); và UBND các tỉnh, thành phố trong việc tăng cường kiểm soát hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn.
Ngoài ra, Bộ sẽ hoàn thiện chính sách pháp luật về quảng cáo TPCN, trọng tâm là sửa đổi Luật An toàn thực phẩm theo hướng quy định bắt buộc thực phẩm bổ sung phải đăng ký công bố và xác nhận nội dung quảng cáo, Luật hóa các quy định quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với hình thức livestream hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức; siết chặt quản lý quảng cáo trên Internet...
Khánh Giao