Lý do giá gạo xuất khẩu liên tục giảm sâu

Lý do giá gạo xuất khẩu liên tục giảm sâu
7 giờ trướcBài gốc
Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Nguyên nhân từ đâu và cơ hội nào cho lúa gạo Việt Nam thời gian tới là vấn đề đang được nông dân, doanh nghiệp và cả giới chuyên gia quan tâm.
Giao dịch hạn chế
Cập nhật giá gạo xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo Việt Nam đã nối dài chuỗi sụt giảm liên tục kể từ tháng 12/2024 đến nay. Ngày 12/2, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 397 USD/tấn, giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan là 425 USD/tấn, gạo Ấn Độ là 413 USD/tấn và Pakistan ở mức 402 USD/tấn. Với chủng loại gạo 25% tấm, giá xuất khẩu của Việt Nam là 372 USD/tấn, bằng giá gạo Pakistan và thấp hơn gạo Thái Lan 34USD/tấn, thấp hơn gạo Ấn Độ 22 USD/tấn.
So với thời điểm giá gạo Việt Nam lập đỉnh vào giữa tháng 8/2023 (700 USD/tấn), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tụt dốc và xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 303 USD/tấn, tương ứng giảm hơn 43%. Không chỉ vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ chỗ cạnh tranh trực tiếp, thậm chí nhiều thời điểm vượt qua Thái Lan để đứng đầu thế giới thì hiện tại đang lùi lại khá xa, thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo lớn.
Bà Phan Mai Hương, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo lập luận, cần phải nhìn vào thực tế rằng, giá gạo Việt Nam tăng nhanh và đạt đỉnh ở thời điểm năm 2023 và nửa đầu năm 2024 một phần lớn đến từ việc “vua” gạo thế giới là Ấn Độ dừng xuất khẩu. Giai đoạn đó, cuộc đua thị trường và giá cả gần như chỉ dành cho Việt Nam và Thái Lan; trong những thời điểm khách hàng cần mua vào đã đẩy giá gạo Việt Nam vượt lên. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, trước thời điểm sốt giá, mặt bằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đều ở quanh mức 400 USD/tấn với gạo trắng, 500 - 600 USD/tấn với gạo thơm.
Chỉ số ít gạo đặc sản và có thương hiệu riêng xuất khẩu được giá cao hơn. Như vậy, giá gạo Việt Nam hiện nay dù giảm sâu so với năm 2023 - 2024 nhưng cũng không phải là quá thấp trong bối cảnh Ấn Độ quay lại sân chơi xuất khẩu.
Theo bà Phan Mai Hương, dựa trên quy luật thị trường, giá lúa gạo thế giới giảm khi nguồn cung dồi dào như hiện nay không có gì bất ngờ và đã được dự báo từ cuối năm 2024. Theo đó, từ sau khi cho xuất khẩu gạo trở lại vào tháng 9/2024, Ấn Độ tích cực bán ra lượng lớn gạo tồn kho với giá rẻ. Dự báo tình hình sản xuất của các quốc gia khác trong năm 2025 cũng thuận lợi, được mùa giúp sản lượng tăng hơn so với năm trước.
Những thông tin này giúp các nước nhập khẩu yên tâm về nguồn cung trong năm 2025 nên dù có nhu cầu họ không vội mua vào. Thời điểm này, mặc dù giá gạo đang thấp nhưng nhà nhập khẩu vẫn án binh bất động, tiếp tục chờ với mong muốn mua được với giá càng rẻ càng tốt.
Cùng góc nhìn, Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho rằng, giá gạo xuất khẩu thế giới bị chi phối bởi sản lượng dồi dào từ các quốc gia cung ứng, đặc biệt là Ấn Độ. Việc này tạo nên áp lực cạnh tranh lớn cho các nước xuất khẩu gạo còn lại; trong đó có Việt Nam.
Giá gạo liên tục giảm khiến những doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán sớm từ cuối năm 2024 rơi vào thế “mắc kẹt” khi một số khách hàng yêu cầu đàm phán lại giá trị đơn hàng với giá thấp hơn hoặc dừng nhận hàng để ép giá. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã thỏa thuận giá thu mua lúa với nông dân từ trước, nếu hạ giá thì không mua được hàng. Giao dịch lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vì vậy rất trầm lắng.
Áp lực lên vựa lúa lớn nhất cả nước là vụ Đông - Xuân đang chuẩn bị thu hoạch ồ ạt với sản lượng cao nhất trong năm. Trong khi người dân địa phương có tập quán bán lúa tươi ngay tại ruộng vì không có điều kiện sấy khô và kho chứa. Còn doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu thì không có đủ tài chính thu mua số lượng lớn cho dự trữ.
Đa dạng hóa thị trường
Từ cuối năm 2024, mặc dù xuất khẩu gạo lập hai kỷ lục mới cả về sản lượng và giá trị song Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã lường trước những thách thức trong năm 2025. Theo đó, thị trường gạo sẽ đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt hơn và giá xuất khẩu cũng khó duy trì ở mức cao.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ ra, bên cạnh một số thị trường có khả năng tăng nhập khẩu thì nhịp độ mua vào ở một số quốc gia khác sẽ chậm lại. Điển hình như Indonesia, sau khi liên tục mua vào trong năm 2024, trữ lượng gạo tồn kho của nước này đã lên cao nên dự kiến lượng mua vào năm 2025 sẽ ít hơn.
Trong khi đó, Philippine - thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt thời gian qua đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm kiểm soát giá gạo trong nước như áp dụng giá trần bán lẻ, quản lý việc dán nhãn gạo nhập khẩu trong các hệ thống phân phối. Mới đây nhất Bộ Nông nghiệp nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực đối với mặt hàng gạo. Tuyên bố này cho phép Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA) giải phóng lượng gạo dự trữ để ổn định giá cả và đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận được với gạo – lương thực quan trọng nhất tại Philippine.
Bà Phan Mai Hương phân tích, những biện pháp của Philippine đều nhằm giải quyết vấn đề nội bộ của đất nước họ nhưng đã tác động không nhỏ đến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam. Sở dĩ là do thị trường Philippine chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu xuất khẩu gạo Việt Nam, có những thời điểm chiếm đến hơn một nửa tổng sản lượng xuất khẩu gạo cả năm. Thêm vào đó, hoạt động thương mại gạo của Philippine không còn theo cơ chế đấu thầu Chính phủ mà đã được tư nhân hóa. Khi giá gạo trong nước bị kiểm soát và giá gạo thế giới biến động liên tục, các thương nhân nhập khẩu Philippine sẽ hạn chế mua vào để tránh rủi ro mua cao bán thấp.
Giá gạo xuất khẩu đang “chạm đáy” nhưng chuyên gia cho rằng, tình trạng này chỉ mang tính ngắn hạn. “Sự ảm đảm của thị trường lúa gạo sẽ không kéo dài quá lâu bởi thực tế nhu cầu tiêu dùng gạo vẫn lớn. Philippine dù cố gắng hạ giá giạo nội địa nhưng phần lớn sản lượng gạo tiêu thụ đều được nhập khẩu và gạo Việt Nam được người dân nước này ưa chuộng nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc và châu Phi cũng đã bắt đầu nghe ngóng để đàm phán đơn hàng mới. Các bạn hàng khác đều biết rõ vụ lúa Đông – Xuân của Việt Nam là vụ có sản lượng nhiều nhất và chất lượng cao nhất trong năm, do đó khi thu hoạch rộ họ sẽ tích cực mua vào”, bà Phan Mai Hương nhận định.
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ lạc quan, ông Phan Văn Có chia sẻ, mặc dù hoạt động thương mại gạo đang trầm lắng nhưng điều này không đồng nghĩa nhu cầu tiêu dùng gạo giảm đi. Thực tế Philipine và Malaysia vẫn có nhu cầu lớn về gạo ở phân khúc chất lượng tầm trung có giá vừa phải. Thêm vào đó, Trung Đông và châu Phi cũng là những thị trường ngày càng ưa chuộng gạo Việt. Dự báo, sang tháng 3 và tháng 4 khi vụ Đông - Xuân gần kết thúc các nhà nhập khẩu sẽ phải đưa ra quyết định mua hàng và giá gạo sẽ tăng dần.
Vấn đề hiện nay là giá gạo đang thấp, đơn hàng xuất khẩu ít nhưng lượng lúa gạo thu hoạch tăng dần và nông dân có nhu cầu bán ngay. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho việc thu mua, tạm trữ vừa giảm tình trạng ùn ứ lúa cho nông dân vừa giúp doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu những tháng sau.
Về lâu dài, các chuyên gia đều khuyến khích doanh nghiệp nên chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa khách hàng để giảm phụ thuộc quá nhiều vào một vài khách hàng lớn. Song song đó, khai thác hiệu quả các kênh phân phối, thị trường ngách có nhu cầu phân khúc gạo cao cấp; không cần xuất khẩu quá nhiều nhưng mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường.
Xuân Anh (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/ly-do-gia-gao-xuat-khau-lientuc-giam-sau-20250213113135899.htm