Lý do giới tình báo cực kỳ quan tâm xung đột Ấn Độ - Pakistan

Lý do giới tình báo cực kỳ quan tâm xung đột Ấn Độ - Pakistan
5 giờ trướcBài gốc
Đối với Trung Quốc, giới phân tích an ninh và ngoại giao cho rằng quân đội của nước này đã hiện đại hóa đến mức có thể theo dõi sát sao hành động của Ấn Độ theo thời gian thực từ các cơ sở quân sự gần biên giới, hạm đội trên Ấn Độ Dương cũng như từ không gian.
“Từ góc độ tình báo, đây là một sự kiện hiếm hoi xảy ra ngay sát biên giới Trung Quốc, liên quan đến một đối thủ tiềm năng quan trọng”, nhà phân tích an ninh Alexander Neill công tác tại Singapore nhận định.
Phi đội máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)
Hai quan chức Mỹ cho biết, 1 tiêm kích J-10 do Trung Quốc sản xuất mà Pakistan vận hành đã bắn hạ ít nhất 2 máy bay quân sự của Ấn Độ, trong đó có 1 máy bay Rafale do Pháp chế tạo.
Ấn Độ không xác nhận máy bay của họ bị bắn rơi, trong khi các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Pakistan khẳng định máy bay J-10 đã được triển khai, nhưng không tiết lộ loại tên lửa hay vũ khí nào được sử dụng.
Cuộc đối đầu gần đây nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc nước nổ ra năm 2020 và chỉ tạm lắng sau khi hai bên đạt được thỏa thuận tuần tra chung vào tháng 10 năm ngoái.
Theo giới phân tích an ninh, hai nước đều đã tăng cường năng lực và cơ sở quân sự dọc biên giới, nhưng Trung Quốc nổi bật vì có khả năng thu thập thông tin tình báo từ không gian.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London, Trung Quốc đang vận hành 267 vệ tinh, trong đó có 115 vệ tinh chuyên phục vụ tình báo, giám sát và trinh sát, cùng 81 vệ tinh khác theo dõi tín hiệu và thông tin điện tử quân sự. Hệ thống này vượt trội so với các đối thủ trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, và chỉ sau Mỹ.
“Xét về năng lực không gian và theo dõi tên lửa, Trung Quốc hiện nay có khả năng rất mạnh để giám sát các diễn biến khi có vấn đề xảy ra”, nhà nghiên cứu Neill nhận định.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không phản hồi đề nghị bình luận về thông tin triển khai vệ tinh quân sự và các vấn đề liên quan đến thu thập tình báo.
Cơ quan truyền thông quân đội và Bộ trưởng Thông tin Pakistan cũng không bình luận về vấn đề chia sẻ thông tin với Trung Quốc. Trước đây, Pakistan khẳng định có “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong mọi hoàn cảnh” với Trung Quốc.
Cuộc đối đầu của những vũ khí mạnh nhất
Một số chuyên gia cho rằng nếu Ấn Độ triển khai tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos – vũ khí mà Ấn Độ phát triển cùng Nga – sẽ đặc biệt thu hút chú ý, vì loại tên lửa này chưa từng được sử dụng trong chiến đấu thực tế.
Trung Quốc cũng đang tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo trên biển. Trong những năm gần đây, Trung Quốc hoạt động ngày càng tích cực ở Ấn Độ Dương, điều các tàu theo dõi không gian, tàu nghiên cứu hải dương học và tàu cá thực hiện nhiệm vụ dài ngày.
Đội hình máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Các nhà ngoại giao trong khu vực cho biết, dù Hải quân Trung Quốc vẫn thận trọng với việc triển khai tàu chiến quy mô lớn đến Ấn Độ Dương do thiếu mạng lưới căn cứ, nhưng nước này rất tích cực thu thập thông tin tình báo thông qua các tàu dân sự.
Trong tuần qua, các hệ thống theo dõi đã xác định một số đội tàu cá Trung Quốc di chuyển với đội hình bất thường chỉ còn cách khu vực diễn tập hải quân của Ấn Độ trên biển Ả-rập khoảng 120 hải lý, vào lúc căng thẳng giữa New Delhi và Islamabad gia tăng.
Các báo cáo từ Lầu Năm Góc và giới phân tích về quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc còn ghi nhận đội tàu cá của nước này thường hoạt động như một lực lượng dân quân phối hợp, đóng vai trò quan trọng trong thu thập thông tin tình báo.
“Những con tàu này có thể đồng thời làm nhiệm vụ nghe, theo dõi nhịp độ triển khai và mô hình phản ứng, cung cấp cảnh báo sớm và tin tình báo hải quân”, nhà phân tích mã nguồn mở Damien Symon viết trên mạng xã hội X về việc 224 tàu Trung Quốc xuất hiện gần khu vực diễn tập hải quân của Ấn Độ hôm 1/5.
Vì mối quan hệ chiến lược sâu rộng với Pakistan, Bắc Kinh cũng có thể tận dụng tối đa mạng lưới ngoại giao và các nhóm quân sự để thu thập thông tin quan trọng.
“Sự hiện diện của các cố vấn quân sự và nhân sự Trung Quốc tại Pakistan là điều đã được biết đến, vì Bộ Quốc phòng Pakistan nhập khẩu một số vũ khí tiên tiến nhất từ Trung Quốc, nên chắc chắn quân đội Trung Quốc có thể tiếp cận dữ liệu liên quan”, ông James Char, nhà nghiên cứu về an ninh Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.
Theo các chuyên gia, Mỹ cũng rất quan tâm đến cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng Nam Á, để chuẩn bị cho những kịch bản xung đột tiềm năng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trên mạng xã hội, nhiều bài đăng tập trung vào hiệu suất của tên lửa đối không PL-15 của Trung Quốc khi đối đầu với Meteor – tên lửa dẫn đường bằng radar do tập đoàn châu Âu MBDA sản xuất. Chưa có xác nhận chính thức rằng các loại vũ khí này đã được sử dụng trong cuộc đụng độ vừa qua.
“Ở đây, chúng ta có thể đang chứng kiến vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc đối đầu với vũ khí mạnh nhất của phương Tây – nếu quả thực chúng đã được sử dụng. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa được xác nhận”, ông Douglas Barrie, chuyên gia cao cấp về hàng không quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết.
Theo chuyên gia này, Pháp và Mỹ có thể hy vọng nhận được thông tin tình báo tương tự từ phía Ấn Độ.
“Chắc chắn PL-15 là một vấn đề lớn. Quân đội Mỹ rất chú ý đến nó”, một giám đốc trong ngành công nghiệp quốc phòng nhận định.
Chuyên gia quốc phòng Byron Callan cho biết các công ty vũ khí Mỹ nhận được phản hồi liên tục về hiệu quả vũ khí của họ trên chiến trường Ukraine. “Vì vậy, tôi cho rằng các nhà cung cấp vũ khí cho Ấn Độ và Pakistan cũng đang chia sẻ những thông tin như vậy", ông Callan nói.
Thu loan
Theo Reuters
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/ly-do-gioi-tinh-bao-cuc-ky-quan-tam-xung-dot-an-do-pakistan-post1740848.tpo